Monday, April 23, 2012

http://www.go.vn/diendan/showthread.php?573994-Khi-bo-co-n-tho-Faina-Glagoleva

Vài lời của tác giả

Các cháu thương mến!

Tôi muốn kể cho các cháu lý do viết cuốn sách này. Tôi có một cô con gái tên là Xasa. Bây giờ cô ấy đã lớn, khi nói về mình, cô ấy thường nói: “ Khi con còn bé…” Vâng, khi còn rất nhỏ, Xasa thường đau yếu, lúc thì cảm cúm, lúc thì viêm họng hay bị sưng tai. Nếu có lúc nào đó tai các cháu bị làm độc, các cháu mới biết nó đau đến dường nào. Nếu không, cũng chẳng còn cách nào giải thích cho các cháu hiểu được.

Có một lần Xasa đau tai, khóc suốt cả một ngày, một đêm, không ngủ được chút nào cả. Tôi thương con gái đến nỗi muốn khóc theo nó luôn. Tôi đã đọc sách hoặc kể chuyện vui cho cô bé nghe. Tôi kể câu chuyện vì sao lúc còn nhỏ tôi đã ném một quả bóng mới của mình xuống gầm xe. Xasa rất thích câu chuyện đó. Cô bé ngạc nhiên khi biết rằng Bố mình cũng từng là một cậu bé, đã làm những trò tinh quái, cũng đã từng bị phạt. Cô bé nhớ câu chuyện đó và cứ khi nào đau tai, Xasa lại kêu lên: “Bố ơi! Tai con đau quá! Kể cho con nghe chuyện lúc Bố còn bé đi!” Và mỗi lần như thế, tôi lại kể một câu chuyện. Các cháu sẽ đọc những câu chuyện đó trong tập sách này. Tôi đã cố nhớ lại tất cả các chuyện đã xảy ra với tôi vì tôi muốn làm cho cô con gái đau ốm của tôi cười lên. Hơn nữa, tôi muốn con tôi hiểu rằng thật không tốt đẹp gì khi mình tham lam, ích kỷ, khoe khoang hoặc hợm hĩnh.

Không có nghĩa là lúc nhỏ khi nào tôi cũng thế cả. Có khi không nghĩ ra được chuyện nào, tôi lại kể chuyện của những ông Bố khác mà tôi biết. Xét cho cùng thì ông Bố nào cũng từng là một cậu bé. Do đó, các cháu sẽ không thấy có chuyện nào trong này là bịa đặt cả, tất cả các cậu bé con nào cũng đã gặp phải. Bây giờ Xasa đã lớn. Cô ấy ít khi đau ốm và có thể tự mình đọc những cuốn sách rất lớn.

Nhưng tôi cho rằng có lẽ tất cả trẻ con đều muốn biết điều gì đã xảy ra cho một ông Bố khi còn nhỏ.

Đó là tất cả những gì tôi muốn nói. Nhưng hãy chờ đã! Còn có nhiều điều hơn nữa đối với cuốn sách này. Mỗi một người trong các cháu có thể tự mình khám phá phần còn lại bởi vì Bố của các cháu cũng có thể kể chuyện lúc ông ấy còn nhỏ và Mẹ của các cháu cũng vậy. Tôi cũng rất muốn nghe các câu chuyện đó nữa.

Chúc các cháu mọi sự tốt lành

Bạn của các cháu
A. RASKIN




Friday, April 20, 2012

William Faulkner và sứ mệnh của nhà văn


(Trích Con đường sáng tạo, Nguyễn Hữu Hiệu, 1973)
1.
William Faulkner sinh năm 1897 tại New Albany, Mississipi. Ít lâu sau gia đình ông dọn tới Oxford, nơi cậu Falkner (không có “u”), dầu đọc sách rất rộng, thi trượt trung học. Năm 1918 ông gia nhập Không Quân Hoàng Gia Gia Nã Đại. Bị thương nhẹ, ông trở về đi học đại học lại rồi bỏ dở.
Được Sherwood Anderson khuyến khích, Faulkner viết Soldier’s Pay, (1926), cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông được nhiều người đọc là cuốn Sanctuary (1931), một cuốn sách kích động ông viết sau Mosquitoes (1927), Sartoris (1929), The Sound and the Fury (1929)  As I Lay Dying (1930). Một loạt tiểu thuyết kế tiếp tạo thành Yoknaptawpha huyền sử: Light in August (1932), Pylon (1935), Absalom, Absalom! (1936) The Unvanquished (1938), The Wild Palms (1939), The Hamlet (1940)  Go Down Moses (1941), Những tác phẩm quan trọng của ông sau Thế Chiến II là: Intruder in the Dust (1948), A Fable (1954) và The Town (1957). William Faulkner được giải thưởng Nobel văn chương năm 1949.
Tất cả những nhân vật của Faulkner đều cảm nghiệm sự quyến rũ của bất hạnh, của suy đồi hay của cái chết. Những nhân vật lớn của Faulkner đều có thái độ nhẫn nhục khôn ngoan của nhân vật Sophocle. Khuất lụy định mệnh, chấp nhận định mệnh khốc liệt một cách thầm lặng, gánh tất cả gánh nặng quá khứ, một cách gan góc. Can trường, rộng lượng, lương thiện, dịu dàng, đau khổ, nhẫn nại và kiêu hãnh vươn thẳng lên sau giông tố, là điều Faulkner muốn truyền đạt qua tác phẩm của ông. Vì lẽ đó ông ca ngợi những người da đen, những nông dân, những kẻ ngây dại, những trẻ em, những kẻ sống bằng bản năng, những kẻ nghèo khó, những kẻ tin vào cuộc đời, vào tình người, vào quá khứ. Bởi họ sẽ tồn tại như cỏ già trên sa mạc cằn khô.
2.
“Con người là tổng số của những nỗi bất hạnh của hắn. Người ta có thể nghĩ rằng nỗi bất hạnh một ngày kia sẽ kết liễu bằng cách mỏi mòn đi, nhưng lúc đó chính thời gian lại trở thành nỗi bất hạnh của ta” (a man is the sum of his misfortunes. One day you’d think misfortune would get tired, but then time is your misfortune…)
Tư tưởng thường được trích dẫn trên trong cuốn Âm thanh và cuồng nộ khiến người ta hiểu lầm Faulkner rất nhiều. Tiểu thuyết Faulkner không riêng gì cuốn Sanctuary chính là “sự thâm nhập của bi kịch Hy Lạp vào tiểu thuyết trinh thám” (l’intrusion de la tragédie grècque dans le roman policier) như nhận xét của Malraux. Có lẽ phải nói đó là một cuộc phục hồi và canh tân của Bi Kịch.
3.
Bàn về tác dụng của bi kịch, Aristote chỉ nói đúng một nửa khi nhận định rằng trong bi kịch đó có mầm kinh hoàng và bi thương, Schopenhauer cũng chỉ đúng bán phần khi cho rằng bi kịch dậy người ta nhẫn nhục. Không, bi kịch là một cái gì khác thế và hơn thế nữa. Nếu Aristote có lý thì bi kịch sẽ là một nghệ thuật tai hại cho cuộc đời; ta phải đề phòng chống lại nó như một nguy hại chung và như một nỗi ô nhục. Nghệ thuật thông thường là kích thích mãnh liệt của cuộc đời, một nỗi say sưa cuộc đời, một ý chí sống, trong trường hợp này lại phục vụ cho sự đồi bại, phục vụ cho bi quan chủ nghĩa nguy hại cho sức khỏe chung. [1] Nếu Schopenhauer có lý thì bi kịch lúc đó sẽ là một hiện tượng phân hóa, băng hoại. “Bi kịch sẽ là một triệu chứng suy đồi” (Sđd.)
Bi kịch, theo Nietzsche, trước hết là một phương thuốc phòng ngừa, “một cuộc chủng đậu chống lại định mệnh không thể tránh khỏi” (eine Inoculation des unvermeidlichen Schicksals). Từng chút, từng chút một, qua bi kịch, cảm xúc bi tráng được tiêm nhiễm, trồng độc vào trong chúng ta, để sửa soạn cho chúng ta sẵn sàng đón nhận những mối kinh hoàng thật có. [2] Và để chúng ta thấu hiểu định mệnh thê thảm bao la chung của con người mà trên đó những nỗi đau khổ của ta chỉ là một phần tử rất nhỏ, để chúng ta thấy rõ rằng tất cả những nỗi đau khổ của cuộc đời chúng ta chỉ triệt tiêu khi chúng gia tăng và bằng mẫu số chung, nghĩa là khi con người phóng lớn định mệnh riêng tư đến độ tương đồng trùng khít với định mệnh con người.
Vì hiểu mệnh là yêu mệnh
Amor fati
hiểu mệnh là giải mệnh
understanding destiny is its undoing [3]
Chuyến xe luân lạc chở người truân chuyên chỉ dừng lại khi người bạc mệnh bằng lòng nhận phận.
4.
Faulkner còn đi xa hơn nữa. Con người không những phải nhẫn nhục chấp nhận định mệnh, con người còn phải chiến thắng cả định mệnh nữa.
Và nâng đỡ con người và khuyến khích con người trong cuộc chiến đấu để sinh tồn và trường tồn ghê gớm này là chức vụ của nhà văn. Nhà văn không được chiều theo sự yếu đuối và sa đọa của con người. Không thể có một thứ nghệ thuật hư vô. Không thể có một thứ nghệ thuật đòi chết. Không thể có một thứ nghệ thuật bi quan. Nghệ thuật bao giờ cũng phải khẳng định.
It n’y a pas d’art pessimiste… L’art affirme.
Nietzsche, Volonté de Puissance, II 460.
5.
Như thế nghĩa là Nhà Văn không được nói về cô đơn; hắn phải nói về cô đơn  sức mạnh. Nhà văn không được nói về đau khổ; hắn phải nói về đau khổ  giải thoát. Nghĩa là hắn phải trình bầy “Cuộc Đời Toàn Diện”. Và hắn không được nói về trái cật thay vì trái tim Hắn phải nói về trái cật để bổ túc trái tim. Hắn không được nói về tình dục thay vì tình yêu. Hắn phải nói về tình dục để hỗ trợ tình yêu. Hắn không được nói về sa đọa thay vì thánh thiện. Hắn phải nói về sa đọa như một cám dỗ của thánh thiện  như một bước đầu của trưởng thành. Nghĩa là hắn phải nói về “Con Người Toàn Diện” vậy.
6.
Nghệ thuật là phải đến cùng, (L’art consiste à aller jusqu’à bout – Henry Miller). Nhà văn không được bỏ nhân vật của mình bơ vơ giữa mê lộ. Hắn phải đẩy con người tới tận cùng giới hạn của nó và cho thấy rằng ngoài vòm trời này còn có những vòm trời khác và tất cả mọi con đường, nếu được theo đuổi đến cùng kiệt, đều dẫn tới thiên đàng. Một thiên đàng thích hợp với ước vọng và kích thước của mỗi người.
7.
Chính trong thời gian đau ốm, chúng ta không được phép bi quan [4] . Cũng vậy chính trong thời đại bi thảm, chúng ta phải chấm dứt mọi triết lý bi đát. Đó là sự đề kháng cần thiết. Đoạn văn dưới đây không phải chỉ là đoạn mở đầu tầm thường của một cuốn “dâm thư” bị lên án nhiều lần ở đầu thời đại chúng ta. Nó phải được coi là một phương châm.
Thời đại chúng ta cốt yếu là một thời đại bi thảm, bởi thế chúng ta từ chối coi nó một cách bi thảm. Cuộc đại biến động đã xẩy ra, chúng ta đang ở giữa những đổ nát, chúng ta bắt đầu xây dựng những nơi cư trú nhỏ bé mới, có những hy vọng nhỏ bé mới. Đó là công việc khó nhọc nhằn: bây giờ không có một con đường bằng phẳng nào dẫn tới tương lai: nhưng chúng ta đi vòng quanh hay bò qua những trở ngại. Chúng ta phải sống, thây kệ biết bao nhiêu bầu trời đã sụp.”
(Ours is essentially a tragic age, so we refuse to take it tragically. The cataclysm has happened, we are mong the ruins, we start to build up new little habitats, to have new little hopes. It is rather hard work: there is now no smooth road into the future; but we go round, of scramble over the obstacles. We’ve got to live, no matter how many skies have fallen.)
D.H. Lawrence, Lady Chatterley’s Lover, p.1.
8.
Khuyến khích con người rằng: Chúng ta phải sống, thây kệ biết bao nhiêu bầu trời đã sụp. (II faut bien que nous vivions, malgré la chute de tant de cieux.)
Là cứu cánh của nghệ thuật. Đó cũng là vinh quang, lao khổ và nhục nhằn của nhà văn, bởi trước ai hết, hắn phải cảm nghiệm sự phá sản của những giá trị mà thời đại hắn đang tôn sùng, xuống đến cùng đáy tuyệt vọng bởi sự sụp đổ của những bầu trời cũ, và cũng trước ai hết, hắn phải gợi lại những chân lý cổ xưa đồng thời sáng tạo những giá trị mới, tạo dựng những chân trời mới làm phương châm, làm hành trang, làm thực phẩm cho những thế hệ tương lai, giúp con người đủ sức chịu đựng và chiến thắng.
Đó chính là sứ mệnh cao cả của nhà văn.
*
Sứ mệnh của nhà văn
Diễn từ của William Faulkner khi nhận giải Nobel Văn chương 1949
Tôi cảm thấy rằng giải thưởng này không được trao cho tôi với tư cách một con người nhưng cho tác phẩm của tôi – tác phẩm một đời tạo tác trong khắc khoải và lao khổ của tinh thần con người, không phải vì lợi lộc mà là sáng tạo từ những chất liệu của tinh thần con người một cái gì chưa từng có đó trước kia. Bởi thế giải thưởng này chỉ là giải thưởng của tôi trong kỳ vọng. Tìm cách cung hiến số tiền trích từ giải thưởng này cho tương xứng với mục đích và ý nghĩa khởi nguyên của nó không phải là việc khó khăn. Nhưng tôi cũng muốn xử sự tương tự như vậy với lời hoan hô nồng nhiệt, bằng cách dùng giây phút này như một chóp đỉnh từ đó tôi có thể được lắng nghe bởi những thanh niên và phụ nữ đã sẵn sàng hiến mình cho sự khắc khoải và lao khổ tương tự, giữa những người đó chắc chắn đã sẵn có một người một ngày kia sẽ đứng nơi tôi đang đứng hôm nay đây.
Thảm kịch của chúng ta hôm nay là sự sợ hãi vật chất chung và phổ quát đến nay đã được chịu đựng quá lâu đến nỗi chúng ta vẫn còn có thể chịu đựng nổi. Không còn có những vấn đề tinh thần nữa. Chỉ còn có một vấn đề duy nhất: Chừng nào thì tôi sẽ bị nổ tung đây? Bởi lẽ đó, người thanh niên hay phụ nữ viết lách hôm nay đã quên mất những vấn đề của tâm hồn con người giao chiến với chính nó, điều duy nhất tạo nên tác phẩm hay bởi vì duy điều đó đáng viết, đáng khắc khoải và lao tâm khổ trí.
Hắn phải học lại những vấn đề ấy lần nữa. Hắn phải tự dậy hắn rằng điều đê tiện nhất trong hắn rằng, hãy quên nó đi mãi mãi, đừng để một khoảng trống nào trong phòng làm việc hắn cho bất cứ điều gì ngoài những chân lý và sự thực xưa cũ của tâm hồn, những sự thực phổ quát cổ điển mà thiếu chúng bất cứ câu chuyện nào cũng chỉ có tích cách phù phiếm và đáng trách bị – đó là tình yêu và danh dự và từ bi và kiêu hãnh và bác ái và hy sinh. Cho đến khi nào làm như vậy hắn tiếp tục làm việc quần quật dưới một lời nguyền rủa. Hắn không viết về tình yêu mà viết về tình dục, về những sự thất bại mà không ai mất mát mảy may gì có giá trị, về những cuộc chiến thắng không hy vọng và tệ hơn cả không từ bi hay bác ái. Những nỗi phiền muộn của hắn không hằn sâu trên một lóng xương nhân loại nào, không để lại một vết sẹo nào. Hắn không viết về trái tim mà viết về trái cật.
Cho đến khi nào hắn học lại những điều đó, hắn sẽ viết như thể hắn đứng giữa đám đông và ngắm nhìn sự tàn lụi của con người. Tôi từ chối không chấp nhận sự tàn lụi của con người. Thật khá dễ dàng khi nói rằng con người bất tử chỉ vì nó sẽ chịu đựng, rằng khi tiếng chuông tận thế cuối cùng vang rền và tiêu tan từ mỏm đá cheo leo vô giá trị không dòng nước muộn tới viếng trong ánh chiều tà le lói cuối cùng, rằng ngay cả khi đó nữa vẫn còn có một âm thanh; đó là tiếng nói mong manh không thể dập tắt hãy còn tiếp nối. Tôi khước từ không chấp nhận điều này. Tôi tin rằng con người không những chịu đựng; nó sẽ chiến thắng nữa. Nó bất tử, không phải vì giữa muôn sinh vât một mình nó có tiếng nói không thể dập tắt được mà bởi vì nó có một linh hồn, một tinh thần có khả năng bác ái và hy sinh và chịu đựng. Bổn phận của thi sĩ, của nhà văn, là viết về những điều này. Đặc ân của hắn là giúp con người chịu đựng bằng cách nâng cao tâm hồn con người, bằng cách nhắc nhở con người tới lòng can đảm và danh dự và hy vọng và kiêu hãnh và bác ái và từ bi và hy sinh đã là vinh quang huy hoàng của quá khứ nó. Tiếng nói của thi sĩ không cần chỉ là bia kỷ niệm ghi dấu con người, tiếng nói đó còn có thể là một trong những vật chống đỡ, những cột trụ giúp cho con người chịu đựng và chiến thắng nữa.

[1]Nietzsche, Der Wille zur Macht.
[2]Cf. Charles Andler; Nietszche, sa vie et sa pensés, t. I p. 45 f.f. Schiller
[3]Jean Pouillon, Time and Destiny in Faulkner.
[4]Nietzsche, Ecce Homo
Nguồn: http://butchitoru.wordpress.com/2012/04/17/writers-mission/


Tun tun tun

Sorry con yêu (hehe, sau này con sẽ nghe câu này dài dài) vì cái sự bê trễ của ba.
Mấy ngày hôm nay ba bận nên ba con mình không thể gặp nhau. Và giờ thì. Teng teng teng… mọi thứ gần như  (hoặc giả vờ như ) đã ổn!
Hôm nay là ngày 21/4/2012.
Ba đã có gì cho con nào?

Ba chẳng có gì cho con cả Tun ơi. Ngoài một sự khánh kiệt. Khánh kiệt trong tâm hồn, trong túi và trong cái đồ chứa tâm thất, tâm nhĩ.

Ba khánh kiệt bởi cái hóa đơn điện thoại chưa trả, một khoản nợ lớn đang trốn, hai chiếc xe hết xăng và tiền bỏ vào ống heo cho Tun nữa. Chuyện thường tình là hễ ba rớt xuống đáy thì lại lật đật sớm trèo lên đỉnh vinh quang. Biết thế, nhưng cái cảm giác này khó chịu vô cùng. Và dĩ nhiên, nói chuyện với Tun là sướng nhất. Rẻ nhất nhưng đắt giá nhất.

Ba chán mình ghê gớm Tun ơi. Vì thế mà ba sẽ biết được rằng, sau này, con của ba cũng sẽ trải qua những giai đoạn cực kỳ khó khăn như vầy. Nhưng, ba lại phải lải nhải cái điều con đã nghe muốn phát chán rằng: hãy email cho ba, gọi điện cho ba và làm bất cứ điều gì có thể để kết thúc những muộn phiền đó. Con nhé!

Hôm nay mình nói về chủ đề Bạn bè và tình yêu vậy!

Bạn bè:
Ba vừa kết thúc một quyển sách rất hay. À và hiện tại, ba đang chuẩn bị cho con một tủ sách để đọc khi  con thích đấy. Đó là tác phẩm Nơi cuối cầu vồng của Cecelia Ahern. Hay hay, buồn buồn, yêu yêu và rất đáng để đọc. Câu chuyện kể về hai người bạn thân, trải qua bao nhiêu sóng gió, họ đã đến được với nhau. Sau này chắc Tun sẽ có bạn thân mà đúng không. Còn ba thì không. Ba tưởng mình có. Ba thật là bất hạnh. Ba không có một ai thân hết Tun à. Không có lấy một người.

Thường thì ba có thói quen kết bạn rất nhanh. Thân nhau cực kỳ, để rồi… cảm giác qua đi, mọi thứ qua đi, hụt hẫng kéo đến. và thế là mất. Mà bạn thân là gì? Là người mình cần thì họ có kế bên. Hay kiểu như không cần nói chuyện vẫn hiểu được tánh ý nhau muốn gì. Và mãi mãi, không bao giờ rời xa. Ba không có những người bạn kiểu đó. Ba sở hữu những tình bạn thời vụ. Hết mùa này, lại gieo hạt và cấy cày vào mùa khác. Viết tới đây ba nhớ tới mấy đứa bạn cũ:
-        Hồi lớp 3/6 ba có chơi với thằng Anh Tuấn. Nó là dân quậy đúng nghĩa nhưng bảo vệ ba hết mình. Hai đứa đi bơi chung. Nó viết thư cho gái nhờ ba chuyển đi nhưng ba đếch thèm chuyển. Vậy mà cuối cùng lại thân. Nhớ là không ngày nào không gặp. Tắm sông, lội ruộng. Có khi nó ở nhà mình chơi suốt rồi về. Một hôm đang chơi keng, nó bị rượt đập đầu vô cửa. Thế là xỉu. Mẹ nó đem nó về. Rồi sau đó thì ba không còn nhớ. Chỉ biết hôm rồi nghe tin có đứa đột tử chết sau khi chơi đá banh. Lại là nó. Nó đã có vợ và hai đứa con. Ba vẫn không ghé thắp hương, và thế là hết.
-        Sang năm lớp 4, ba có chơi với thằng Phi, thằng Bình, thằng Quy rùa. Thân dã man. Ngày chia tay lên lớp 5, ba đi học trường chuyên, còn nó học trường bình thường, nó tặng ba bài nhạc: “Quay về kỉ niệm lúc còn học sinh”… thế là nằm nghe và khóc ngon lành. Nhà ba mẹ nó hình như bán nhà hàng – Đầm Sen – mà bây giờ đã thành nghĩa trang liệt sĩ. Ngày nhà mình lắp điện thoại đầu tiên, ba đã gọi cho nó và nói chuyện rất nhiều. Giờ thì không biết nó đi đâu về đâu. Gặp lại ít bận thấy lợt lợt, thế là hết thân.
-        Rồi lớp 10 – 12 ba có chơi chung với thằng Hồng Võ. Xong rồi lại thôi
-        Ba có thêm Bảo, Huy Street, Long Bor, Lâm… rồi thôi
-        Ba có bạn Phong… rồi cũng thôi.

Mà bạn thân thì đâu phải như thế đúng không con. Giờ tự kỉ toàn tập, muốn tìm một đứa để đánh đập chửi bới cũng không có được. Chán thật. mà như thế là buồn lắm con ạ!
Cho đến giờ, ba cũng không hiểu vì sao, ba không thể là bạn thân với mẹ con. Kiểu nói chuyện của mẹ, khiến ba không thể nào mở đầu tâm sự một cách đàng hoàng. Có lẽ là lỗi ở ba cả, không biết tập nói, tập thương, tập yêu… nên tình bạn không thể nào nảy nở tự nhiên được.
Mọi người đi qua đời ba nhanh quá.
Hay là ba bị ảo tưởng về cá tính của mình đến nỗi không tự thấy ai là bạn thân.
Có có, có Lê Cát Tiên, mãi mãi, thân nhất cuộc đời, hiểu ba nhất cuộc đời và giống ba nhất.
Khùng khùng điên điên con ạ!
Ba cạn ý rồi. tưởng là viết cho Tun sẽ hay lắm nhưng giờ ba sẽ viết một cái khác.

Monday, April 16, 2012

16/4/2012 - Cứ tại yêu thương

Tuần trăng mật Bali đó kakaka




Tun này, hôm nay ba viết cho Tun 2 cái note luôn. Kinh thật là kinh. Để xem, đặt tên nào thật hay cho cái note này nhỉ. À, có rồi

Cứ tại yêu thương (chấp nhận vậy hihihi)

Ba bắt đầu ngày mới vào lúc 8g30. Con biết rồi đấy, cả đêm ba có ngủ được giấc nào đâu. Mấy ý nghĩa lẩn quẩn bao giờ cũng khiến ba nặng đầu. Nói theo kiểu mẹ con là tào lao đúng nghĩa. Mẹ sẽ không cho ba thức. Bà bảo như thế là hại não. Như thế là chu trình sống đảo lộn. Quan trọng là không ai cho mẹ con gác chân. Và dù ba có xấu xí thế nào đi nữa thì cảm giác có người nằm bên, bao giờ cũng khiến mẹ an lòng (dù ba có xấu xí ma chê mèo mữa đi nữa). Thế đấy, sau này, khi nghe tiếng ba mẹ la ó… bắt ngủ sớm này nọ. Con phải luôn nhớ rằng, cứ tại yêu thương mà ra cả…

Bà nội lên thăm ba. Xách nặng lắm. Bà mang vú sữa cho mẹ, mít cho mẹ và cả một bữa cơm gia đình không thể ấm hơn. Dạo này mẹ mệt, nên cái bếp nhà lạnh tanh. Mà dù cho mẹ không mệt đi chăng nữa, thì cái cảm giác ba mang lại cho mẹ con, không đủ để bà nhóm lửa sưởi ấm nhà. Sau này có Tun, ba nghĩ mọi chuyện sẽ khác. Ba có thể pha sữa, nấu nước ấm cho Tun uống thuốc… nhắc Tun đừng có bày bừa chi mệt không ai dọn… Và dù mẹ có không thèm đụng tới bếp thì đã có ba hừng hực nấu nướng chọc phá. Trở lại với Bà nội. Ba thương bà nội lắm. Kiểu thương của ba thì con biết, hoặc sau này sẽ biết: im im quan sát và.. thương thương. Nó thụ động và không còn được bày tỏ nhiều bằng hành động. Ba thương bà nội theo kiểu điện thoại cúp giữa chừng, vui thì nghe, buồn thì không… Ba phá làng phá xóm. Phá nhiều tới nỗi bà nội hỏi: Ê, con coi chừng bị vợ coi thường. Cái ba tra lời liền. Đâu có, Phương thương con không hết. Bà nội bắt ba ăn, còn mẹ Phương thì ngược lại. Cứ tại yêu thương cả…

Nói chuyện với Tun dễ chịu biết bao, vì Tun ngoan và nghe không có vướng chấp sai đúng. Ba biết rồi, mai mốt mà có muốn nói chuyện với Tun ba phải ngồi xuống máy gõ liền.. Nhỡ mai mấy con chữ biết mất tiêu thì sao Tun hè. Yêu thương nó bảo phải làm thế.

Trên đường về nhà, ba trôm nghĩ. Chẵng biết sau này, ba với Tun mẹ thương ai nhiều hơn. Có lẽ là Tun. Nhưng ba không muốn thế. Ba muốn cha còn mình fair play, ăn đồng chia đủ. Nếu lợi thế và ưu điểm của con là em bé, thì ba cũng có sức hút bởi xấu trai và một cái tính hời hợt đẳng cấp thượng thừa. Mà Tun chơi với mẹ lâu thế, tình càm thế, ngoan thế, chắc là mẹ phải thương nhiều hơn ba.
Mẹ bảo ba hư, mẹ sẽ không chơi với ba nữa.
Sau này, Tun không được phép cướp phần thưởng ít ỏi mà mẹ tặng ba. Tun mà có dành là ba chiến liền. Ba cũng thích sờ ti mẹ như Tun, ba cũng thích vuốt lưng cho mẹ ngủ như kiểu mẹ vẫn hay làm thế với Tun đấy thôi.

À, dòng cuối. Có lẽ đến hết đời, chắc ba không bỏ được cái tật nói láo, nổ và ở dơ quá Tun ơi. Tình hình là ba đi chụp ké cái 5D mark III vừa mới ra đời. Cái ba post lên, mọi người vô like quá chừng.

Thắc (tiếng miền Nam = mắc) cười quá . Sớm muộn gì ba cũng có nó thôi. Ba hứa sẽ không nói láo với Tun. Hệt như  cách ba đang sống bây giờ , sẽ trải nghiệm tất cả mọi chuyện, để có thể kể với Tun mà không cần ngại ngùn gì về thân phận và độ xác thực.

Tun phải làm thế với ba đấy. Trò chơi hỏi thẳng đáp thật.
Chuyện lớn giải quyết kiểu khác, hay vấn đề thời sự nhỏ giải quyết đường khác.
Đừng bảo ba nhiều chuyện nhé. Cứ tại yêu thương nó thế.
Mẹ kêu ba qua nhà bà ngoại ăn rồi.
Ba chuẩn bị đến sờ Tun đấy.
Liệu Tun của ba có thể trở thành thần đồng không?
Mà thôi. Bình thường là đạo Tun nhễ…


 







Sunday, April 15, 2012

Ngày mua 5D mark II huhuhu



Thường thì hiếm có cái gì - lời hứa, trách nhiệm hạy đại loại những thứ to tác tương tự - lưu lại trong đầu anh quá 30 s. Anh chẳng biết tại sao nhưng dường như “attachment” không nằm trong vùng anh cực khoái . Anh thích như thế và luôn sống như thế. Dự định mãi sống như thế, để rồi một ngày em ngạo nghễ, chiễm chệ xông xộc vào đầu anh và rồi ở luôn trong đó.
Đó là một ngày kỳ lạ mà anh không thể nào quên trong đời. Em vừa khó gần vừa thân thiện. Giữa ta ta chưa bao giờ có một cuộc nói chuyện ra trò, nhưng quan trọng là kết nối và sự thấu hiểu đã vượt qua giới hạn của giao tiếp. Càng thôi không nghĩ về em lại càng nhớ. Bộ não tinh tướng của một thằng con trai hơn 25 tuổi đã không còn đủ sức tải bộ dữ liệu “em” ngày càng bành trướng, choáng chỗ nhiều cơ số nơron thần kinh đáng kể.
Có lúc anh cảm thấy mệt mỏi và muốn bỏ cuộc nhưng cái cảm giác hét ầm trời trên Nóc nhà Đông Dương năm nào đã nhắc anh “không có gì là không thể”. Nhưng có thể là có thể như thế nào. Em quý phái, anh bần cùng. Em giỏi giang, anh tệ hại. em đẹp đẽ, anh xấu xí.
Thế đấy, ngày qua ngày cảm giác mặc cảm tự ti cứ kéo dài trong anh.
kỳ lạ thay, những lúc đó lại là những lúc em san bằng khoảng cách đó.
Hehe, Đó là những ngày đã qua, xa lắc xa lơ rồi. những valentine buồn thỉu buồn thiu của nhiều năm về trước.
Cảm giác có được em trong tầm tay hiện tại vẫn còn khiến anh ngây ngất.
Vả lại anh không ngờ nó lại dễ dàng đến thế.
Tự dưng buồn một chút cho những cảm xúc hụt hẫng xưa kia, anh không thèm níu giữ.
Tự dưng vui cho những cái chạm tay gần… và cả tiếng em thì thầm thật khẽ
Tự dưng buồn sợ vu vơ
Tự dưng nghĩ… Mình cùng đi nhé – as lâu, as sâu… as em “ai lớp diu” anh…
HAPPY 14/...... 2 for u…. and me….
P/s: Mà về em thì còn khối chuyện để kể với mọi người Vợ ơi.
Thích thật!


- Cái này viết khi mới mua được cái máy hình đầu tiên 5D mark II hihi
và chụp show cưới ở Macau yeah yeah lắm con à hihi



Buồn vui vui buồn



Trong đoạn cuối của Tên tôi là đỏ, Orhan Pamuk viết như ri:
“Có lẽ nó đúng. Trong thực tế, chúng ta không tìm những nụ cười trong các bức tranh hạnh phúc, thay vào đó, chúng ta tìm hạnh phúc trong chính cuộc sống. Những họa sĩ biết điều này, nhưng đó chính là điều họ không thể vẽ. Đó là lý do tại sao họ lấy niềm vui của việc nhìn thay thế cho niềm vui của cuộc sống”.
Công việc của ta có phần như thế đó con. Mỗi sáng thức dậy là đồng hành với vô vàn yêu thương. Ta thấy hạnh phúc bé li ti bay từ bó củi đốt vội đón bình minh. Ta cảm nồn nàng của những cái thơm buộc phải đóng khung để thợ chớp bóng như ta chộp lấy chộp để. Ta yêu cái nắm tay gần, cái ôm eo xa, ta thầm ghen với những bước chạy tung tóe làm bẹp dí mấy bà sóng bạc đầu. Ngôi chợ cá Thọ Quang xô bồ người, hì hục ngợm chia sẻ nhau thúng mưu sinh. Cầu xe lửa Nam ô, bồ bồ, phố Hội tấp nập những nụ cười. Và cứ thế ta lướt qua nhiều nhiều cái đẹp, chọn một cái đẹp nhất, đếm 1, 2,3 bảo “tươi”. Là chụp.
Ta còn muốn kể cho con nghe nhiều nhiều hơn thế. Về ngôi nhà chúng ta ở quê, về đám cưới đẹp nhất xóm của mẹ con ở đó. Ta muốn con chơi cùng mấy thiên thần khác tên siêu quậy, siêu điệu, siêu nhân nữa kia. Và ta trong lúc đó sẽ lén tặng lại cho con những bức ảnh nhớ đời.
Ta khác họa sĩ trong quyển sách nọ vì ta chưa bao giờ lấy niềm vui của việc nhìn để thay thế cho niềm vui của cuộc sống. Ta vẫn luôn cảm nhận được “lavie” nó “jolie” như thế nào theo cách riêng của một người được vinh dự chia sẻ cùng con hai chữ gia đình.
Ta dự định thế này, sẽ có một khoảng thời gian cố định ta dành cho con trong ngày để hai ta cùng trò chuyện. Nói là trò chuyện vậy thôi chứ ta sẽ huyên thuyên cho con hàng giờ về triệu triệu sắc màu cuộc sống. Quyết định là tùy ở con nhưng riêng ta vẫn luôn tin vào một ngày tao ngộ. Rất gần.
Love you forgood dù hôm nay là ngày ta ít vui hơn mọi ngày.

--- cái này ba viết cho một người anh em của con đã không có cơ hội vui nhiều với cuộc đời---
(17/4/2009)
Neo đó - con của Dì Hồng và Dượng Danh (không biết đúng không nữa hahah)

TẬP VỀ NHÀ


16/4/2012
(hình ảnh chả liên quan tới nội dung...
đây là chuyến đi Campuchia... nhớ nhớ vậy!)


- Tính đến thời điểm này, trò chuyện với Tun là một trong những cách làm ba cảm thấy thoải mái nhất. Thường thì, trong tất cả nhật ký viết cho con, cha hay mẹ phải có trách nhiệm gửi gấm những yêu thương kỳ vọng. Ít ra, người ta còn viết mấy lời nhắn nhủ, hỏi thăm sức khỏe, chia sẻ niềm vui… Còn ba, hình như đi ngược lại. Mà cũng không phải đi ngược. Đi tầm bậy tầm bạ. Đi quẩn đi quanh mấy câu chuyện ba vớ của chính mình. Nói với Tun thật ra chỉ là cái cớ. Chủ yếu là ba nói chuyện với chính mình. Vậy thì cuộc trò chuyện hôm nay có liên quan gì đến cái tiêu đề, đến ba và Tun. Có chứ!

Sau vụ cưới mẹ, gần đây ba mới nghĩ đến chuyện tập về nhà. Lần đầu tiên, ba biết dừng cuộc chơi lúc đang hứng nhất. Lần đầu tiên, ba thấy nhớ một ai đó thật lòng. Ai đó là Tun và mẹ. Mẹ Tun dạo này ói nhiều lắm đây. Hứa hẹn sau này (như người ta nói) bà bầu sẽ hạ sinh một đứa con xuất chúng. Thế đấy, thậm chí ba đã sợ đến chuyện Tun sẽ thông minh hơn ba, nổi tiếng hơn ba… Con xem, với suy nghĩ đó thì làm cha cái nỗi gì. Rồi ba lại đi tầm bậy tầm bạ tiếp đến chữ sợ.

Chạy trên đường khuya về nhà cũng sợ.
Nhà bên đang có đám ma cũng sợ không dám ngủ. Đám tiễn một người sợ gánh nợ đã quyết tâm gieo mình từ lầu bốn xuống đất về đất. Người ta đã chọn giải quyết nỗi sợ nhẹ nhàng như thế đó Tun. Nói đâu xa, trong đầu ba gần đây, hễ có bất cứ chuyện nào tiêu cực xảy đến, ba đều có ý nghĩ sẽ kết thúc cuộc đời theo kiểu tự vẫn. Mà con đừng có nghĩ chuyện “tiêu cực” của ba to khủng khiếp nhé. Xấu hổ khi phải thú nhận với Tun là nó nhỏ và ti tiện đến mức nào. Chán thế Tun ạ!, sau này, có khi con cũng vấp phải những nỗi buồn nhỏ tí khiến con nản lòng. Nhưng quan trọng hơn, đừng bao giờ nghĩ đến chuyện chọn thay đổi theo cách làm tổn hại bản thân mình. Tun thương Tun là Tun thương cả mẹ, ba và cả nhà mình rồi.

Sáng hôm qua đi họp phu huynh (dùm) ba cũng sợ
Sợ sau này, Tun sẽ hết sợ ba. Tun sẽ quậy phá, đánh lộn, chửi thề, học tập tệ. Ba sợ Tun bị người ta lừa Tun như cách ba vẫn hay lừa mọi người. Ba sợ Tun không đủ bản lĩnh như ba trước mọi tình huống. Ba sợ Tun bị hại dù mình không cố ý hại người… Thế là Tun nghĩ ba rảnh hơi rồi. Vì tất cả mọi chuyện đó sẽ xảy ra theo cách hết sức tự nhiên của cái gọi là định mệnh. Thế là ba nhớ ông bà nội, cả ông bà ngoại… hẵn đều có nhiều thứ lo sợ giống như chuyện ba đang làm bây giờ. Có điều họ không có dịp nói ra, hoặc cách thể hiện, phương tiện thời ấy cũng khó khăn lắm. Vậy đi Tun, hình như cái nào liên quan đến máu mủ, đều khởi nguồn từ những yêu thương. Nên Tun phải nhớ còn cảm xúc là còn đủ cục yêu thương to đùng.

Ngày bé ba có viết nhật ký. HÌnh như từ năm lớp năm. Cũng còn giữ. Lâu lâu đọc lại thấy mắc cười. Và giờ ba sẽ làm chuyện đó vì con. Thôi thú thật là vì ba vậy. Sau này Tun đọc đến đây phải biết rằng ba lúc này 30 tuổi. Và đang… cực kỳ lo sợ về nhiều thứ.
Sợ nhất là tập về nhà.
Sợ về nhà
Sợ nhà
Sợ

Tun có dạy ba hết sợ mọi chuyện không?
Ba lại nhớ Tun nữa rồi

Saturday, April 14, 2012

15/4/2012

Tun này, ba không phải là týp người của gia đình. Hix hix, từ lâu rồi, ba đã không thoải mái khi ngồi chia sẻ mấy câu chuyện điện, nước, điện thoại (mặc dù nó hết sức cần thiết) cùng ông bà nội, bà ngoại và cả mẹ con. Cuộc sống ba hình như vất vưởng đâu đó ngoài đường. Nghĩa là chạy về nhà tí ti, rồi lại đi mất, rồi lại về ngủ. Chán thật. Chính thói hành xử này đã khiến ba không thể nói chuyện theo kiểu những-ngươi-bạn-thân-thiết cùng mẹ người đáng-lý-ra-phải-hơn-cả-người-ban-thân-thiết chia sẻ. Hình như ba sợ xấu hổ, mà không biết ba sợ xấu hổ chuyện gì nữa. Một người đàn ông tự nhận mình không thuộc về gia đình thì còn biết thuộc về ai. Trong khi công việc hiện tại cũng không ổn định, tâm lý ba thất thường và dĩ nhiên điều đó không làm hài lòng ba chút nào. Thật lạ là từ khi Tun chuẩn bị chào đời, ba mẹ có ít cãi nhau hơn trước. Có lẽ mẹ cũng thường tâm sự với con hơn ba, nên những vấn đề tự thân nó được giải quyết chóng vánh. Bực bội không chịu được Tun ạ. Ba vẫn còn một đống vấn đề cá nhân để giải quyết. Mẹ gọi kiểu người của ba là ẩu tả đến từng chi tiết. Cậu Sếp - em trai của mẹ - còn gọi ba là tạp nham, không phải, lộn xộn, xô bồ? không nhớ nữa. Mà đúng thật là như vậy. À nhớ rồi. Bát nháo. Thế đấy Tun. Bát nháo mà sáng nay ba đi họp phụ huynh cho cậu Sếp. Rồi sau này ba sẽ xung phong đi họp phu huynh cho Tun. Hỏi cô giáo cô ơi con tôi trong lớp có đánh lộn không. Toán nó học thế nào, văn giỏi ra sao, trong lớp siêng phát biểu hay ù lì… Nhiều thứ quá! Không biết ba có dạy cho Tun học mỗi tối không. Nếu thích, ba có thể dạy Tun kể chuyện. Và ba muốn nghe Tun kể cho ba nghe tình hình học tập, người yêu Tun thế nào? Đứa học giỏi nhất trong lớp tài ra sao?... Và như thế, có lẽ ba sẽ trở thành con người của gia đình lúc đó. Ba sẽ ủng hộ cái hòn non bộ nơi trường Tun. Để giúp Tun có thể hãnh diện trong mắt bạn bè. Có lẽ đến lúc phải như thế. Còn bây giờ.. ba vẫn còn đang là một thằng cha bát nháo. 30 tuổi và hời hợt đủ điều. Ba mong Tun mau ra… mà có khi lại sợ trách nhiệm. Hehehehe!

Saturday, April 7, 2012

8/4/2012




Tun của ba đang chơi ở phía sau cái gối đó. Mẹ không thể nào biết được ba chụp bức ảnh này đâu.
Hãy chú ý tới đôi dép lào xanh phía bên góc trái - kẻ thù không đội trời chung với ba đó.
Haha, đang làm gì đó Tun ơi... Tun à!

7/4/2012 - [ hội ngộ ]


Là một ngày hết sức đặc biệt - ngày ba con mình gặp nhau lần đầu tiên.
Ba đi họp cùng với G9 - một trong những dự án-không-nghĩ-tới-mà-cũng-phải-thực-hiện.
Bà Nội về Việt Nam sau chuyến viếng thăm cô Mỹ ở Pháp một tháng trời.
Nhiều nỗi niềm lắm con ạ!

Vậy nên, cứ quy định như vầy: hễ sau này khi không nói với nhau được bằng lời, ba con mình sẽ viết. Email, note, thư tay, nháp… hay mọi thứ có thể lưu lại các ký tự để giúp người này thực sự muốn hiểu người kia chia sẻ điều gì con nhé. Tiếp, còn nếu như có một tỉ câu chuyện con muốn chia sẻ nhưng không biết bắt đầu từ câu chuyện nào, ba nghĩ con nên chọn sự kiện xảy ra đầu tiên, giống như ngày hôm nay, ba mở đầu bằng hai từ [ hội ngộ ]

• Cho Tun
Ba định gọi tên con như thế, nhưng có vẻ bà nội không hài lòng. Bà Nội sẽ đặt tên ở nhà cho con theo nguyện vọng nào đó của bà. Ví dụ như chị hai Belle = đẹp, anh Bill = Bill Gates (tổng thống Mỹ, thông minh… đại loại như rứa). Bắt đầu như thế nào về Tun của ba. Gọi trước như vậy, có gì sẽ thay đổi sau:
• Bác sĩ khám ghi Tun như vầy: “Lòng tử cung có hình túi thai, bờ đều, bên trong có một phôi thai sống”.
• Tim thai “+” : có nghĩa là con đã thổn thức trong bụng mẹ rồi.
• CDPT (ba sẽ tìm hiểu sau): 19 mm.
• Kết luận: Tun nè. Kể từ cái ngày ba chạy đôn, mẹ chạy đáo làm vài thủ tục y khoa, Tun đã hình thành rồi đấy. Tối hôm đó, ba mẹ có đi ăn ốc để thư giãn. Trong lúc mà cô Phượng nào đó cho cại con hào Long Hải, bỏ lên lửa, cho vào đó nữa cục phô mai. Trong lúc mà một mối tình lén lút của hai người khách bàn kế bên đã đến hồi kết thúc. Mẹ ăn ngấu nghiến ổ bánh mì ngon lành. Trong lúc mọi sự bình yên như cái đồng hồ gõ giờ, trời vào đêm… thì có một sự kỳ diệu nho nhỏ xuất hiện. Là con đấy thôi. Vậy là Tun của ba đã được 8 – 9 tuần tuổi. Chuyện này đáng lý phải được giấu nhẹm. Có nghĩa là chỉ những người trong gia đình mới có thể biết được tin này thôi. Người ta kiêng khoe em bé cho đến khi nhóc bé được khoảng ba tháng tuổi. Thiệt là chẳng có cơ sở khoa học nào. Nhưng hãy tin rằng con ơi, sau này, sẽ có nhiều chuyện mà các kỹ thuật khoa học dù có tiên tiến nhất vẫn không thể tài nào giải thích được. Dầu gì thì cả thế giới cũng đã biết đến sự có mặt của Tun rồi. Mẹ con chẳng hài lòng chuyện này chút nào. Bà trách ba ở bên nhà dì Sáu coi bộ hậm hực lắm. Bà Nội chứng kiến chẳng bình luận gì sự kiện đó chỉ kết luận: “Sống như thế nào mà đừng để con vợ coi thường mình thì làm”. Thế đấy, cuộc sống thật là phức tạp. Nhưng hãy nhìn kỹ, mọi sự đều bắt nguồn từ những thương yêu. Mỗi người một kiểu, không ai chịu ai. Nên ba con mình cứ biết như thế.
• Cho bà nội:
Cứ hễ sau mỗi chuyến đi thăm cô Mỹ về là bà nội buồn ghê lắm. Buồn đến nỗi không ngủ được. Lúc ba đang viết cho con những dòng này thì bà Nội vẫn còn thức. Bà Nội nhớ đến cảnh sống côi cút của cô Mỹ nơi xứ người. Bà Nội nhớ tới cái tánh ý của dượng ba tư Luân thiệt tình kỳ cục. Nhưng bà không bao giờ nghe cô Mỹ than vãn câu nào. Chuyện nhà nhỏ nhà to, chuyện cái tivi thiếu hụt, chuyện ipad vẫn là một khái niệm xa vời. Nói như thế chỉ để con hiểu thêm về người nhà bên Nội, về cô Mỹ, về những người đã từng rất đỗi thân thương với ba ruột của mình. Thôi không lạc đề nữa, trở về chữ hội ngộ của Bà Nội đây. Đó là cảnh bà Nội gặp lại ông nội. Nếu có đứng bên cạnh ba, chắc ba sẽ nắm tay con thiệt là mạnh. Ba chỉ chỉ, ba nói con kìa, coi kìa, coi có cảnh nào đẹp như cảnh này không. Con hỏi ba cảnh gì, cảnh gì ba. Ba nói đó đó, cái ông già ngồi trên xe lăn, con mắt đầy ghèn, hàm răng súng súng, bàn tay rung rung, cái gò má phính phính là ông nội con đó. Những khó khăn trong khâu di chuyển, vệ sinh cá nhân, sức khỏe bản thân… ở cái tuổi hơn 70 lại còn thêm chứng khóa trong Pakison cũng không thể nào cản nỗi nụ cười không thể nào tươi hơn của ông nội. Nụ cười đó át cả tiếng nói nhỏ rí trong cổ họng của người già, mà nếu muốn nghe thật rõ, con phải ghé sát tai vào. Xong xuôi, con nghe thế này: em hả, em về rồi, anh nhớ em quá, ngày nào anh cũng trông em, ở ngoài ban công, và anh thấy cái bóng đèn đường, anh hỏi thằng Vinh có phải trăng không. Hôm nọ, anh có bàn với nó giải quyết cái vụ mặc tả của anh. Anh thấy nó kỳ kỳ. Nhưng thôi kệ. Em về rồi. Và anh an tâm, tối nay ngủ ngon lắm đây.
• Lại cho Tun:
o Hồi nhỏ, có lần đi học về, ba lấy hết sức từ đằng xa, chạy thiệt nhanh lên bậc thang, chỉ để ôm bà nội, bà đang đứng và nói chuyện với ai đó không rõ. Ba ôm cổ bà nội chặt đến nỗi cả hai té lăn cù. Sau này, lớn lên một chút, người lớn không còn cái khuynh hướng biểu hiện tình cảm hết sức tình cảm như thế nữa. Nhưng ba muốn Tun, làm gì cũng được, dù con nhỏ xíu như hột đậu hay đã là những người trưởng thành già ơi là già, hễ đi đâu về, con phải chạy lại ôm ba một cái. Hễ đi đâu xa, con phải gọi ba ít nhất một cuộc điện thoại. Hễ buồn te tái, thì cứ chạy về nhà. Ba vẫn sẽ ngồi ở vị trí, có thể giống như ông nội, im lặng và chỉ mỉm cười. Nhưng con biết rồi đấy, cái ôm thật chặt sẽ giúp ba được an ủi. Nhiều nhiều lắm Tun ơi.

P/s: hôm nay, ba mẹ có nhắc lại với nhau về những ngày yêu đầu tiên. Mẹ nhắn mới đó mà đã hai năm. Coi bộ buồn nhiều. Vì tối nay ba đi về Cai Lậy, nên không có ai cho mẹ cằn nhằng, chửi bới. Ba không nhớ mẹ chút xíu nào, ba nhớ chỉ cái tin nhắn mẹ nhở viber chuyển tới: “cảm ơn anh đã xuất hiện để đời em thêm hát ca và thêm những nỗi buồn không tên khác”. Tóm lại mà mẹ con làm văn dở tệ. Hahahaha, đừng nói lại cho mẹ nghe nhé, bà sẽ nổi khùng!

Thursday, April 5, 2012

cái đẹp là một lời hẹn


13.01.2011
Khi nhìn thấy một con thuyền và nghĩ là nó đẹp, bạn không hề nghĩ đến mảnh nào trong một trăm ngàn mảnh đã được ghép lại để làm nên con thuyền ấy. Một con thuyền đẹp là nhờ cái trật tự theo đó những mảnh nhỏ đã được ghép lại. Cuối cùng, con thuyền cũng không đẹp vì cái trật tự ấy, mà vì những lời hẹn của nó. Lời hẹn của con thuyền là những chuyến đi xa. Nếu đó là một con thuyền cũ, nó cũng đẹp vì những con đường nó đã băng qua đại đương; vì những bờ biển nó đã đến và rời đi, và bây giờ sóng vỗ ở bên trong ký ức của con thuyền, dù bạn không nhìn thấy. Ký ức cũng giống như một lời hẹn.

Cái đẹp luôn luôn dẫn đến những thứ rộng lớn hơn chính nó. Giống như một bài thơ hay thì lớn hơn tổng số các từ được viết xuống giấy. Cái đẹp bắt đầu từ một thứ có hình tướng, nhưng nó không chấm dứt ở đó.

Hãy nghĩ đến khoảng không bạn chừa lại, nó như thế nào. Điều này áp dụng cho việc viết tiểu thuyết, cũng như cho kiến trúc. Cho tất cả mọi ngành design.

Cái đẹp của một con thuyền nằm ở lời hẹn. Một con thuyền còn như thế, huống chi một con người.

[ba thích cô này cực]

http://doanminhphuong.wordpress.com/2011/01/13/beauty/

[Thế giới nhìn nghiêng]


[Thế giới nhìn nghiêng]

Với tuổi teen, thế giới không phải lúc nào cũng.... phẳng. Có những bức bối, có những hoang mang, hoảng sợ. Có cả những lo âu và nối tiếp nhiều phút giây.... loạng choạng, tưởng chừng trượt ngã. Trong thế giới ấy, những đợt sóng ngầm có thể cuộn tràn lên bất cứ lúc nào, nếu thiếu sự định hướng và bản lĩnh vững vàng.
Là phiên bản Việt Nam dựa theo cách thực hiện tuyển tập Hoa hồng giấu trong cặp sách của hai nhà báo Trung Quốc từng làm cộng đồng mạng dậy sóng, chuyên mục Thế giới nhìn nghiêng rất được yêu thích trên VTM giờ đã trở lại. Liệu những trải lòng tiếp nối này có… lợi hại hơn xưa, hay BBT đã “đủ cách tiếp cận thông minh như thể, để phản ánh tận cùng những cảm xúc có thể đang rỉ máu của tuổi teen”. Trả lời cho thắc mắc trên, chúng tôi xin phép được phép bắt đầu từ một cuộc trò chuyện thân tình. Không, phải gọi tên cho đúng là “bài phóng sự điều tra tự bạch” của đứa em trai tên L. Bởi người viết chỉ được hỏi đúng một câu sau khi hai anh em cùng xem xong đĩa phim “A few best man - Dân chơi kiểu Úc” tại một nhà điều dưỡng xa thành phố:

Ma túy có vui như phim?
Nguyễn Nhân

1. Vui. Thậm chí còn dã man hơn phim nhiều. Thật tình, em không ngờ cái phim maketing tích cực cho ma túy như “Dân chơi kiểu Úc” lại được trình chiếu. Dám chắc sau đợt “Best man”, mấy bạn hàng kẹo, đá (*) ngoài đó thắng đậm. Không lý nào đám dở hơi biết bơi, tập tành ăn chơi, sau khi cười ngặt nghẽo với mấy trò phê ke, hàng trắng trên phim bỏ qua cơ hội “thử” danh chính ngôn thuận này. À, kế đến, chuyện “vẽ đường cho chúng em chạy” phải nói đến công lao rất lớn của cánh nhà báo tụi anh. Chính những bài viết về ma túy theo kiểu “thịt ba rọi” càng khiến bọn em gần với mấy bầy tiên dược này. Chưa hiểu? Là do em thấy như vầy: anh theo đuổi đề tài một nữa, đập kèo ít bận, hỏi thông tin từ mấy đứa bá dơ, ghi lại ý kiến đe dọa của bác sĩ càng đậm đặc càng tốt… ngoài ra còn tự phịa ra nhiều câu hỏi, đáp tuyên truyền đúng bài kệch cỡm của phần thoại trong phim truyền hình Việt Nam. Chỉ mỗi chuyện Ctrl C, Ctrl V là anh làm đỉnh của đỉnh. Kết quả là mấy bài báo về ma túy đều có công thức chung: 90% Google + 1%trải nghiệm + 9% dạy đời để = “Những pha rồ người vì thuốc lắc…”, “Đập đá, đâu là tương lai…”, “Hiểm họa ngầm của ke…”. Em cũng có đọc mấy bài này. Ngay cả khi vào đây ngồi thiền, em còn có dịp soi chúng kỹ hơn. Hồi đó, đang phê, em cũng đọc cho cả bọn nghe. Tui nó cười lộn ruột. Có đứa định bụng rủ mấy ông phóng viên chơi cùng. Để xem, sau những trận phê pha, anh có còn biết đâu là “phúc” hay “họa”. Thế cho nên, đừng có nghĩ rằng em nói ba lăn nhăn. Cũng đừng hỏi gì hết, anh cứ ghi. Vì mấy câu chuyện này đã nằm sẵn trong đầu em. Chúng ong ong trong óc em mỗi ngày. Nhất là lúc em nằm một mình. Em nghe rõ lắm. Thiệt, giờ em kể lại cho anh nghe tỉnh bơ, chứ không điên chút nào. Em đâu có nhũn não mà anh lo!

2. Em là L của anh đây. Sinh viên xuất sắc 4 năm liền, từng là bí thư đoàn khoa, ủy viên ban chấp hành đoàn trường. Chưa kể thành tích hát hò khủng, cộng thêm “tiền sử” đình đám ở khâu tuyên truyền ma túy, HIV. Nghĩ lại thời ngô nghê kêu gọi “không thử, không giữ” ngày xưa mà thấy tội. Ai biết khẩu hiệu này chỉ lừa được mấy đứa khờ. Gia đình em hạnh phúc có thừa. Nhỏ Tâm ghệ em đẹp, ngoan, sang, hiền học giỏi thế nào anh còn lạ chi nữa. Vậy mà vẫn bị dính như thường. Đâu phải thú phê pha này chỉ thuộc về mấy đứa có hoàn cảnh éo le, sống trong môi trường lâm li bi đát. Từ đám bạn văn nghệ sĩ, vài ông anh doanh nhân, bè lũ dancer khủng của Việt Nam, em còn đập chung với mấy bé chân dài 9X. Chơi ở khách sạn thì ít, mà lại mất chất, thiếu an toàn. Công nhận mấy em teen dạo này võ công cao cường. Ý là nói trình độ khò - tức là lấy lửa hơ vào cái nỏ để cho khói đá bay lên - đã được nâng thành đạo. Hỏi một em năm nay lên 12 chơi lâu chưa, bé nhỏ tỉnh bơ: “Dạ, từ hồi ba em còn tắm mưa không mặc đồ…cơ”. Dùng mắt thường, anh sẽ không phân biệt được sự sành điệu ngây thơ của các em đâu. Phải nói đám này là siêu cao thủ đánh lạc hướng phụ huynh bằng chính cái sự tốt đẹp của mình. Nhập cuộc rồi, ai cũng hiện nguyên hình cả. Có đứa sau khi phê thì bị bệnh nàng Tấm (nghĩa là ưa dọn dẹp, lau chùi quét dọn), đứa nghiện DJ (chỉnh nhạc theo ý thích của mình và mọi người). Còn một số nằm ôm nhau, chảy mồ hôi để tăng độ ảo. Và cứ thế tui em tám từ khuya hôm nay đến khuya ngày mai. Nói trên trời dưới đất, chuyện lớn chuyện nhỏ. Nói cho tới khi tê cứng quai hàm. Số ít nói thì nhai Chewingum đến lột lưỡi. Riêng mấy đứa “ống khói tàu” thì hút thuốc đến vàng răng, mụ người. Độ chơi của em thì anh biết rồi. Đỉnh cao là một tuần liền tương đương với hơn 150 tiếng thức trắng. Chơi từ lúc mua đá tính bằng gam, mua kẹo tính dĩa 30 - 50 viên. Đó gọi là chơi đại gia. Còn tới lúc nghèo - hết đá - thì cho dù một hột đá nhỏ như sợi bột ngọt rớt vô thùng rác, thì cả đám vẫn phải xúm vào đống rác, để mót, để tìm. Có lần, em sai một thằng bị ngáo đi lượm cây tâm xỉa răng về làm đồ mồi lửa. Thằng này con của chủ khách sạn lớn ở đường Bùi Thị Xuân. Vậy mà hôm đó, tầm 3 giờ sáng, nó đi lang thang đến chỗ bán phở, ngồi xuống đất để lượm mấy cây tăm người ta xỉa rồi mang về. Nhục như con chó, nó chửi em vậy, rồi sau đó nó cười hề hề. Nhiều thằng bị slow motion hay gọi là bị đứng hình, làm gì cũng chậm chậm. Có đứa khóc khóc, cười cười, cười cười, khóc khóc. Ủa sao em bị nói lấp pppp. Tay chân run quá, anh thông cảm lấy dùm em ly nước… Ực.

3. Túm lại, đừng hỏi em vì sao chơi nhé anh. Chẳng lẽ lí do của em là buồn… vì không có chuyện gì buồn. Em cũng đâu có rảnh vì công việc ở trường, viết bài… Vậy mà vẫn biết tiết kiệm cả đêm để chơi, để rủ reng bà con về nhà chơi bằng được. Ba mẹ em đã từng hỏi câu đó cho tới khi nản. Con bạn gái em cũng lằn nhằn một tỉ lần rồi chán chê. Nhiều khi nằm im ru, ngó lên vách tường từ 7 giờ sáng, tới 19 giờ tối để suy nghĩ nát đầu, mà ứ hiểu vì sao mình bị dính. Em muốn chửi thề quá… Mà em bực mình, riết em nói nhiều vô kể. Nói chuyện một mình mà mấy người kêu em điên… Đúng là khùng hết cả đám. Định ngồi vô máy tính gõ mà hoa mắt, tay run. Bó chiếu thật!

4. Anh biết không, ban đầu cái gì cũng đẹp và hạnh phúc. Cuộc sống lúc “check in” (tiếng lóng về lúc phê của dân chơi) rất đáng tự hào. Khuyết điểm trong anh dù nhỏ nhất, cũng sẽ được bù đấp bởi đá, kẹo. Tiên dược kiểm soát bọn em phát khẩu hiệu: “Tin tôi đi, không ai khác trừ bạn đang làm chủ cuộc đời mình”. Chính động lực này sẽ giúp anh hoàn thành nhiều chuyện không tưởng. Anh khinh rẻ mọi cảnh báo. Anh ghét bị gọi con nghiện. Anh sớm thấy mình ở đâu đó lửng lơ, mập mờ. Anh ghê tởm bọn chơi heroin. Anh nguyền rủa chính mình. Anh xấu hổ khi biết mình hơi hơi nghiện. Trong khi ban đầu anh phủ nhận chuyện đó. Anh tuyên bố: “Kể từ giờ phút này, tao sẽ không chơi nữa. Tụi bây thật là một lũ báo đời. Mai tao nghỉ. Lỡ người ngoài hành tinh xâm lăng thì còn biết cầm súng bảo vệ quê nhà”. Cả đám đồng thanh hưởng ứng, dọn dẹp nỏ (đồ dùng để đập đá) rồi nằm hưởng (phê). Thằng Hà Nội nghe nhạc chất phết. Đ.m tụi bây, phải nghe “Túp lều lí tưởng” là xung căng (lên thuốc) ngay. Ê, ê… đá sắp rồi bỏ tao rồi. Tao cũng vậy. Chơi tiếp không. Không… hồi nãy thằng L tuyên bố nghỉ rồi. Dẹp mẹ đi… Mà còn có chút xíu hà, chơi cho dứt điểm đi. Và cả lũ ngồi dậy. Không cần biết thời gian. Lại chơi tiếp. Để thấy tìm lại cảm giác ban đầu. Ê, hàng này ngon vãi. Tao nói rồi, hàng quận 8 ổn định hơn hàng quận 3. Và ban đầu đã trở lại. Cái gì cũng đẹp và hạnh phúc. Cuộc sống rất đáng tự hào. Khuyết điểm. Lú lẫn. Giác ngộ. Sành điệu. Yêu thương. Ngứa ngáy. Ê ê, năm ngày rồi tao chưa súc miệng. Sao mầy có thể lập được kỷ lục Ghi Đá như thế. Hố hố. “Tin taooo điii. Mầy đang để đá làm chủ cuộc đời mầy rồi”.

5. Ghê nhất là lúc em thức dậy. Cho em hỏi anh mấy giờ rồi. Mà thôi. Em nói lại. Em nói tới khúc nào rồi. À, ghê nhất là lúc em thức dậy. Hình như tối. Không, không. Sáng. Sáng thứ Bảy. Mà thứ Bảy là ngày trong tuần. Ngày cuối tuần. Ghê nhất là lúc em thức dậy. Hình như Chủ Nhật. Chủ nhật cũng là ngày trong tuần. Anh cho em ly nước. Bỏ đá vào. Không, em không uống đá. Em kể tiếp. Ghê nhất là lúc em thức dậy. Ghê lắm. Mà đâu có gì là ghê. Bình thường. Em không mặc quần áo gì cả. Bé Xíu cũng thế. Tui em dơ như hai con chó. Cái phòng em thối kinh khủng. Bọn nó đái mà không dội. Ghê nhất là lúc em thức dậy. Hai tuần rồi em mới thức dậy. Hai tuần hay một tuần chẳng nhớ, đúng là cái bệnh nổ không bỏ. Em đi ngủ chút xíu rồi em kể tiếp cho nghe nhé. Ghê lắm. Mới đầu có hai người, sau em nhìn thấy một đống người. Rồi em nhìn thấy mẹ. Mẹ làm gì em mà em không đau. Cũng đau. Đau bình thường.

6. Hai tuần rồi em chờ anh để nói chuyện mà anh không tới. Ba mẹ em có lên thăm. Bạn gái em cũng lên thăm. Ghê nhất là ba mẹ em nói chuyện mà em không nghe gì hết. Hình ảnh hai người đó trước mặt em giống như phim Sạc lô. Kịch câm. Em cười sặc sụa. Tự nhiên mẹ em khóc mà em không nghe tiếng gì hết. Mà sao em buồn quá. Em là ai thế này. Bạn gái em hỏi nó tên gì. Em đéo nhớ luôn. Khốn nạn thật. Anh đừng kể cho ai nghe chuyện này của em nhé. Nhục nhã gia đình em lắm. Em xấu hổ rồi. Mà thôi, anh đừng kể cho ai nghe. Mà kể cũng đâu có sao. Em nói tới đâu rồi. Chói quá, anh cho em đeo mắt kính đen nhé. Dạo này cái phòng em ồn lắm. Một mình em đi tới đi lui mà bực bội kinh khủng. Ba mẹ chuyển em qua phòng đặc biệt mỗi mình em mà nó cũng ồn. Có cái gì lóc cóc lóc cóc lóc cóc lóc cóc lóc cóc lóc cóc lóc cóc lóc cóc lóc cóc. Lóc cóc. Haha, sao em nói lóc cóc hoài mà em không chửi em khùng. Anh là ai? Mầy biến mẹ mầy đi nhé. Tao đâm mầy bây giờ.

7. …

8. Em nghĩ ba mẹ nên nói chuyện thường xuyên với con cái hơn. Kệ, dù tụi nó không thích vẫn cứ nói. Nói nhảm cũng được. Nói rồi kiếm chuyện đi lên phòng của con, coi tụi nó chứa cái gì. Phía sau cánh cửa í, coi mấy cái hộp giày, trong tủ. Đứa nào rủ bạn lại chơi ít bận thì không sao. Còn đám nào ăn dầm nằm dề với con mình thì phải nên quan sát thái độ. Dân đập đá là phải có nhạc, thuốc lá, chewinggum. Coi trong thùng rác nữa, vì tụi em chơi xong cũng biết dọn dẹp lắm. Rác của các thạch sĩ (dân chơi đá) thì có tăm xỉa răng, hột quẹt hết gas, khăn giấy, thuốc lá, kim bướm… Em chơi nhiều quá thì bị sưng mỏ. Đứa khác hay nhai, nhai liên tục. Thằng B thường móc mũi không ngừng. Bé Xúi (Xíu) mắt đỏ. Xinh gái vậy chứ thở ra là cái miệng hôi rình… Mua đá dễ ẹc hà. Gọi điện là giao tận nơi. Bỏ vô bao đĩa DVD đàng hoàng. Mà em chỉ cách rồi thì mẹ có tha cho em không. Em mong cho cả đám đập đá sớm bị phát hiện, bị công an hốt. Vì em chơi không được thì không muốn ai chơi được hết. Em không nghĩ đá là có hại vì nó có hại. Mà nó độc vì nó có độc. Độc từ từ, theo kiểu độc mà không có độc.

9. Thông báo anh, em vừa lên chức trưởng phòng. Lương 2.000 USD tháng kèm theo bảo hiểm nhân thọ. Đám bạn em vừa up hình lên facebook chúc mừng lên chức. Tụi nó post cái đường link “Từ phê thành điên…” lên tường em. Con Xúi (Xíu) ghi “đi mau về mau”. Mạng internet ở đây cùi mía. Lãnh lương tháng đầu em sẽ lấp wifi hết phòng. Mẹ em vừa về khi sáng. Mẹ hỏi em ăn gì. Em nói em ăn cứt. Mẹ buồn. Mà em ăn cứt thì đáng đời lắm. Mẹ buồn là chuyện của mẹ thôi. Anh nói em xin lỗi mẹ. Anh nói em ăn cứt để mau hết bệnh. Mà em đâu có bệnh mà hết. Đúng khùng. Mẹ cho em cái ipad. Bác sĩ kêu xài hạn chế. Anh nói mẹ thương em thì tới chơi với em cho em đỡ nhớ. Anh nói em thương em, em thương mẹ… Tâm hả, ừ, lát anh qua trường đón em. Alo alo, bác sĩ chưa cho đi. Bác sĩ nói anh ăn cứt xong mới được đi… Hihi, anh thấy em hay không. Làm đéo gì có điện thoại mà nói chuyện như đúng rồi. Anh đi chơi đi. Em tới giờ ngủ. Em ngủ sớm lắm. Em sẽ làm lại cuộc đời. Mà không biết có được không. Em thèm đá quá. Có chấm nào hay chấm đó. Anh ơi. Miễn anh tin em không có khùng là em vui.

10. 100 ngày rồi em không nói chuyện. Ngày mai em đi chết. Anh đi không?

LTS:
Tuần qua, tôi đến thăm nuôi đứa em “giang hồ”. L là cộng tác viên ruột của tôi cho các đề tài xã hội, giải trí. Em viết tốt và ổn định. Trước kia, L trầm tính ít nói. Em là kiểu người thích trò chuyện qua từng trang viết ngộ tĩnh, tinh đời. Chúng tôi không gặp nhau thường, chỉ trao đổi đề tài qua email. Cách đây hai tháng, em có tạm ngừng viết để tìm cảm hứng sáng tạo cho một đề tài nóng. Đến ngày 1- 4, mẹ của L gọi tôi để kể chuyện về một “thế giới không được phẳng” của con mình. Nghe xong, tôi đến thăm em ngay. Bài viết trên là toàn bộ phần ghi âm được thực hiện trong ba ngày. Biết tính L cẩn thận, tôi chỉ dám chú thích ít dòng trong mấy dấu “()”, tự coi đây như một đề tài tâm huyết của em.


(*) Đá: ma túy "đá" là một loại ma túy tổng hợp tồn tại dưới dạng tinh thể, kết tinh từ dẫn chất của Amphetamin, Niketamid, Methamphetamin... Các viên "đá" có hình dáng, kích thước giống cánh mỳ chính. Loại ma túy này có thể hít trực tiếp qua đường mũi (sau khi đã được nghiền nhỏ) hoặc cũng có thể gián tiếp thông qua một bình lọc đựng nước.
Kẹo: Thuốc lắc hay ecstasy, tên khoa học là MethyleneDioxyMethamphetAmine (tắt: MDMA), là một dạng ma túy được chế tạo tổng hợp lần đầu tiên từ năm 1910, và 2 năm sau thuộc quyền sở hữu của công ty dược Merck (Đức) dưới dạng chất ức chế cảm giác thèm ăn. Những tên hiệu khác của MDMA là viên lắc, thuốc điên, viên chúa, viên hoàng hậu, max, xì cọp, ecstasy, mecsydes v.v.
Theo khuyến cáo chung khi sử dụng các chất này là: Không hề đảm bảo sự an toàn khi dùng.Gây nghiện, suy nhược thể trạng nhanh chóng.

Một mình một mình một mình


Cúc cu,

Sáng nay con lại làm mẹ ói một phát rõ to đấy nhá.
Hôm nay là ngày 6/4/2012 và ba con ta lại tiếp tục chương trình thời sự trường kỳ.
Câu chuyện hôm nay sẽ là “Một Mình”

Tối qua, ba thật là tệ khi để mẹ con ngủ một mình. Thường thì cái trò này ba rất hay sử dụng. Ý là bỏ mặc nhiều người lại một mình đó. Ví dụ như bà nội, ông nội và đủ thứ người hết. Kết quả rồi sao, ba bao giờ cũng là một người cô đơn và nhiều chuyện. Ba kết bạn nhanh, thân nhau với tốc độ chóng mặt, để rồi cuộc chia ly đi qua bao giờ cũng để lại ít nhiều trống vắng trong lòng. Nhưng ba không buồn lâu, niềm vui đến nhanh lắm. Lại hào hứng kết bạn mới, nỗi niềm xưa bể như cái bong bóng xà phòng. Mẹ con cứ nói sớm muộn gì rồi cũng mất. Hay “cái gì vào tay anh cũng hư hao và tan tành”. Nghe buồn thúi nhưng cũng hên đó là sự thật.

Mấy lần ở một mình, ba quyết tâm thanh đổi cuộc đời. Sẽ sống theo kiểu hết sức chuẩn mực một cuộc đời thanh lịch, đúng hẹn, sạch sẽ, gọn gàng. Nhưng ba bất lực toàn tập.

Trong đầu mỗi mình ba có 8000 thứ nhảy múa. Phải công nhận ba là một người giỏi suy nghĩ. Nghĩ tới đâu là tưởng tượng đến tận cùng. Xong rồi thôi chứ không có hành động. Hậu quả là, không phải chỉ người ngoài nhìn vào, mà tự bản thân mình cũng nhận ra rằng, Karma Cudi là một thằng ba hoa, giỏi chém gió. Ước gì ba thành người tài thật sự. Khi đó mẹ con sẽ trở nên sung sướng hơn về mặt vật chất lẫn tinh thần.

Chán thật. Đời quá đen. Muốn tự sát.
Là mấy suy nghĩ vớ vẫn trong đầu ba mỗi khi gặp chút (chút xíu thôi) sóng gió. Để rồi mấy con ý nghĩ khùng điên đó tự nhiên biến đâu mất khi mọi chuyện qua đi. Những tưởng yên thân, thì cứ đến mùa bão khác, đám quỷ sứ này lại xuất hiện y như bình thường.

Dù thế nào cũng phải ráng chiến đấu con nhé. Mà nếu có thật sự buồn thì gọi điện ngay cho ba đi. Ba lúc nào cũng sẽ giành thời gian để tám với con về mọi sự. Chuyện gái gú, chuyện bậy bạ, chuyện hút cỏ hút cần… chuyện sống như thế nào là đáng sống.
Nhưng ba sợ con sẽ hết sức bận với cái kiểu làm việc của ba hiện giờ. Nghĩa là vờ vịt “busy” để cho qua những kết nối thân tình - như cách ba để mọi người một mình - ông nội, bà nội, mẹ và rất nhiều người.

Coi như là ba xin con, chỉ nói với con một lần duy nhất, cũng như đã từng nói với mẹ, với rất nhiều người, vì cái tự ái hão và cục tôi to khủng khiếp: Đừng bao giờ bỏ rơi ba trong bất cứ trường hợp nào con nhé. Nếu thấy hằn học, hãy nhớ yêu thương. Nếu gặp vụn về, phải nghĩ tới thời chu đáo. Ba vẫn là ba của con - người mà dù muốn dù không vẫn cứ hay gây mấy chuyện mình không thích cho người khác. Còn ba con mình thì khác. Đúng không con!

Ba xoa bụng mẹ con từ phía xa nhé.
Ngày thứ bảy này, ba con mình biết nhau hơn một tẹo. Bà nội từ Pháp về. Rồi bà nội sẽ trách ba “văn bất thành nhân. Dám không hỏi thăm mẹ một câu dù bà đi xa nhà cả tháng…”
Ba chán ba rất nhiều.
Lại phải tự viết để trấn an: “Mọi chuyện xảy ra cho nhà ta rồi sẽ ổn”.
Mà có chuyện gì đâu. Đúng là ba lẩm cẩm thật rồi con ạ!

Gọi điện ngay cho ba con nhé! Hay con có thể làm giống như trong ảnh minh họa kìa. Khì khì khì...

tự thú tự thú

Con yêu

Thay vì bắt đầu liệt kê mọi thứ trên giấy - các thứ tự ưu tiên của công việc – như cách ba thường làm. Ba viết cho con những dòng này coi như là tự thú. Sau này, có thể ba không đủ can đảm, đủ sức, hoặc thậm chí đủ thời gian để tâm sự với con thật cặn kẽ. Nên ba nghĩ viết là cách tốt nhất để cha con mình nói chuyện vô tư. Kiểu như giáp mặt thì không thể nói thành lời cho nó hay ho được.

• Câu chuyện cậu bé chăn cừu con biết không? Cái thằng mà nói láo ba lần về đàn sói ăn thịt cừu của nó. Đến lần thứ 4, người ta đã không còn tin nó nữa. Cuối cùng thì hậu quả của mấy bọn nói láo thì con biết rồi đấy. Thê thảm.
o Ba y chang như nó. Kiểu nói láo của ba còn thượng thừa hơn thằng chăn cừu nhiều cấp độ. Nghĩa là, ba nói láo chân thật đến nỗi mình tin 100% rằng những điều mình nói sẽ thành sự thật. Ba tạo ra cái thế giới của câu chuyện tưởng tượng, đủ to, đủ rộng đến nỗi có thể sống trong đó một cách thoải mái và an toàn. Thoải mái thì ở mức độ ảo. Còn an toàn là ba có thể không bao giờ bị lộ tẩy. Nhưng con ơi, ba thực sự không tài giỏi như mình nghĩ. Ba không hẵn là siêu nhân theo cách nghĩ của mọi người. Ba không chấp nhận sự thật. Mà sự thật ở đây là điều ba không muốn mà đã phạm sai lầm. Ba thích nghĩ khác. Ba thích chúc đầu xuống đất như con đà điểu mỗi khi lo sợ. về sau, và nhiều năm sau nữa, khi năng lực giữ thế giới tưởng tượng trong đầu ba đã cạn kiệt, thì ba nghĩ toàn bộ sự thật sẽ được phát lộ. một ngày nào đó, có thể trí óc ba không còn đủ minh mẫn để kể, để nói cho con nghe thật nhiều điều thú vị… Rồi cha con ta sẽ xa cách nhau. Ba bước từ vai một chàng nhân viên mẫn cán để đóng cho hết đời ông lão ngồi trên xe lăn. Nhớ say sưa về quá khứ. Nhìn con thèm trò chuyện đến cháy cổ. mà không thể nào thốt lên thành lời. hiện tại, ba đang rất sợ.

o Mẹ con nói đúng. Ba không là nghệ sĩ nhưng lúc nào cũng cố tỏ ra mình là artist. Ba cười nhạo tất cả thói vô trách nhiệm. Viết lên lớp đủ thứ chuyện trên đời. Và thế là ba tự huyễn hoặc mình thành nghệ sĩ. Huyễn hoặc có nghĩa là ảo tưởng đấy con ạ. Là kiểu sống hoàn toàn phi thực tế. chán thật. Chẳng biết ba mắc hội chứng này từ khi nào. Kiểu hứa rồi 100% vô trách nhiệm với lời hứa của chính mình. Ba không có danh dự, nên đã có lúc ba không thể nào can đảm để nhận con làm con. Nếu như sau này hình tượng con người mà con đeo mang là hết sức trọng tín, trọng nghĩa. Chính vì cái thói này mà ba làm bà nội, mẹ con, tất cả mọi người trong gia đình buồn khổ. Sau đó, mới đến ba. Thật tình là ba cảm thấy mình không đáng nhận được tất cả mọi thứ trong cuộc đời. Tới nỗi đứa bạn nói ba phải tu 10 kiếp mới sống được kiếp này, ba càng xấu hổ và nhục nhã. Ba nghĩ tư duy mình không kip sử dụng cái phước báu do mình thọ nhận. Có lẽ đọc đến đây con lại chê ba dài dòng. Nhưng không sau, mọi chuyện rồi cũng đâu vào đấy cả. Ba đang rất chán và buồn.


o Sống kiểu như ba, con sẽ không thể nào cảm thấy thú vị. Thứ làm con tổn thương nhiều nhất, thực sự là chính bản thân mình. Ba đã không nỗ lực trong tất cả mọi việc. thế mà ba vẫn không bị mất tất cả. mà thực sự, ba đã bị mất tất cả. Nên trở lại với vấn đề ban đầu, ba sẽ tự tạo ra một thế giới lếu láu. Thán phục ba như trước. Nhưng có thể nó không còn đủ mạnh, đủ giòn.



[ tình hình là ba đang ở trong một cái phòng nhỏ, trên lầu. Đêm nay, 6/4/2012 ba sẽ quyết định không ngủ. Và làm lại cuộc đời. Không ai tin ba thì chỉ mình con thôi cũng được. Yêu con và xấu hổ trước mẹ con quá đỗi ]

Hãy lạc hậu một ngày…


Mỗi ngày đi làm, tớ vác một ba lô đầy “táo” - một iphone, một ipad2 và một con Macbookpro. Để nghe, gọi, nhắn tin tớ dùng iphone; đọc sách trên mạng mua ở Alezza tớ xài ipad và để lọc cọc đánh Word, thuyết trình, tớ xử nốt phần thiết bị còn lại. Kết thúc ngày làm việc, nếu chưa về nhà, tớ có thể chui vào một quán café yên tĩnh nào đó, chỉ để online tiếp. Chưa kể chuyện tớ còn hí hoáy chọc phá con ipad3 mới đập hộp ban chiều. Mà hình như, không phải chí có mỗi mình tớ sở hữu cái chu trình sống như thế. Kiểu vừa coi Bước nhảy hoàn vũ trên tivi, vừa online Facebook để “dán” clip “Việt Nam gót tá lần” lên tường sau màn nhắn tin bình chọn điên cuồng và up hình lên tài khoản Flickr.

Mọi thứ đã trở nên bất thường khi cuộc hẹn vào chiều thứ bảy của tớ và đám bạn diễn ra trong im lặng. Im lặng vì ai cũng bận “check in”, chụp hình để gửi lên Instagram và nhắn tin miễn phí qua Viber với đứa bạn nào đó ở nước ngoài. Số còn lại chẳng buồn hỏi thăm về vụ té xe của một đứa trong nhóm mà lo chém trái cây (trên ipad) xối xả. Thậm chí, bản thân đứa bị nạn hồi tuần trước vẫn đang lim dim nghe bản hit mới của Taylor Swift trong ipod mất rồi.
Có người nhắc “Ê, mầy đã bỏ quên cuộc sống này rồi”, còn một số chuyên gia khác thắc mắc: “Vũng nước cạn Internet đã và đang làm gì với não bộ chúng ta? Phải chăng chính sự hiệu quả và rộng lớn của nó cộng theo tâm lý quan trọng hóa mọi tin tức khiến ta bị nô lệ bởi chính công nghệ”. Các báo mạng đưa tin: “Cái gì càng tiện thì càng nghiện”. Liệu có một ngày, trí óc của chúng ta sẽ nằm đâu đó trong một cái máy chủ. Khỏe thôi, lúc đó khỏi cần nhớ số điện thoại của mẹ (nhờ lưu trong điện thoại), khỏi quên ngày sinh nhật của người yêu (vì yahoo nhắc nhở) còn thời khóa biểu học thì có thể tải liên tục.

Một ngày cúp điện, cộng theo chuyện laptop, điện thoại, ipad và những thứ linh tinh khác đồng loạt hết pin. Tớ cảm thấy như đất trời sụp đổ, thấy cô đơn trong chính ngôi nhà mình và tự kỉ một cách nghiêm trọng. Mẹ bảo:“Dẹp công nghệ một ngày đi con. Sách mua một đống không đọc. Mẹ con mình thì một tháng không nói chuyện. Nhà nội sát bên cả năm không thấy bước qua hỏi thăm một tẹo. Mà có phải bận bịu gì lắm đâu”. Nghĩ bụng, “Mẹ đúng là lạc hậu thiệt!”
Mà lạc hậu thì có gì sai?

[Coi như ba là bạn của con đi. Mà bạn thì có quyền khuyên nhau một tí...]

127 giờ của riêng tôi


MỘT
Tôi (hầu như) nghiện facebook. Nhìn xem, tài sản trên mạng có gì?
Bạn: 1.749
Ảnh: 1329
Những trang yêu thích: 181
Fanpage cá nhân: giờ đã có 2035 fan và còn tăng lên theo từng ngày.
Mọi thứ có vẻ nhộn nhip. Chúng khiến tôi chộn rộn với các công việc như sau: tất bật comment, hì hục trả lời, loay hoay cập nhật trạng thái cảm xúc, vi vu up hình chụp từ ifone, ngồi đếm “like” xong sẽ ùa đi “like” người khác. Nhiều khi ngẫm lại, tôi thấy mình bận rộn một cách đáng thương. Chưa kể đến việc những cú điện thoại của mẹ, mấy buổi xum họp bạn bè, vài ba mối tình lén phéng… hiếm khi gây chút tì vết trong tâm hồn tôi, huống hồ gì “để lại ấn tượng sâu sắc”. Bạn đừng bảo tôi nhạt nhẽo vì tôi thực sự cảm thấy ổn trong cái thế giới riêng bình yên của mình. Cho đến một ngày, đứa bạn mà tôi in relationship qua đời. Mọi người (trên mạng) bảo nó bị sốc thuốc dẫn đến đột tử. Riêng tôi, ngoài chuyện khá tâm đầu ý hợp trong mấy vấn đề nhiếp ảnh, phim, sách, thời trang… tôi hầu như không biết gì về trừ cái ảnh đại diện hết sức đáng yêu và một cuộc hẹn café cuối tuần mãi mãi không bao giờ thực hiện. Gì thế này? Tôi đã quen lắm đâu với mấy vụ ra đi đột ngột! Mà chết bây giờ thì trẻ quá, đã làm được gì tốt đẹp mà đi vội đi vàng? Thực ra tôi có khóc nhiều. Như cái lần tài khoản matnathuytinh trên yahoo 3600 biến mất vĩnh viễn khi tôi chưa kịp dọn nhà.

HAI
Khi đó là khoảng tháng 4 hoặc 5 của năm 2003. Trong một buổi chiều thứ Bảy ấm áp, Aron Ralston đi “thư giãn” như thường lệ. Trong sự bao la của đất trời, nơi cuộc sống bị bỏ quên sau mấy rặng núi hiểm trở của bang Utah, Mỹ, vận động viên leo núi 27 tuổi này cảm thấy dễ chịu. Từ lâu, các nhóm đối tượng như gia đình, bạn bè và cả cô nhân tình bé bỏng đều quá quen với tình trạng tình trạng thoắt ẩn, thoắt hiện của Aron bởi cái sở thích ưa xê dịch ấy . Mọi chuyện chính thức bắt đầu khi Aron Ralston gặp được tảng đá mà anh cho rằng đã chờ mình từ hàng ngàn năm trước. Nó không nhẹ tí nào, tầm 450 kg, lại còn “thân thiết” quá mức cần thiết. Nhiệt tình đến nỗi, nó đè chặt tay anh ở một hẻm núi khỉ gió nào đó trong suốt 6 ngày trời (theo thông tin từ bìa sách). Những ngày kẹt cứng “giữa muôn trùng vây” đá núi với tài sản là con dao đa năng made in China, Aron đã dùng chiếc máy quay phim sắp hết pin để kể lại 127 giờ định mệnh vĩnh viễn thay đổi cuộc đời mình. “Theo dự tính, mỗi ngày tôi sẽ kêu cứu một lần. Mà hình như, tôi không ưa cái giọng mình lắm. Nó vừa yếu ớt vừa hoảng sợ. Và theo kinh nghiệm cá nhân thì không ai có thể nghe được tiếng tôi cầu cứu ở độ sâu gần 50m trong hẻm núi”. Tuy gần chạm đến cái chết, song Aron vẫn không quên tin vào sự sống, tin vào những kết nối tình cảm với mẹ, với người thân những tưởng đã nhạt nhòa, giờ càng trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết. Vì tin, nên anh cần đủ thứ để sống. Anh cần uống nước tiểu một cách tiết kiệm, cần tin vào một gia đình tương lai đang chờ mình ở trên bờ, tin vào mưa lũ sẽ cuốn trôi cái của nợ chết tiệt này đi. Vậy là xẻ thịt, cắt gân, cưa gãy xương tay... để thoi thóp leo lên bờ vực và tiếp tục sống. Ngày 7-9-2009, nhà xuất bản Simon & Schuster đã phát hành quyển tự truyện nổi tiếng “Between A Rock And A Hard Place” của một nhà văn best seller bất đắc dĩ. Năm 2010, quyển sách này đến tay Danny Boyle - đạo diễn phim Triệu phú khu ổ chuột.

BẢY
Tôi coi 127 hours trên Star Movies hồi tuần rồi.
Phim này năm ngoái được 6 đề cử Oscar 2011 dành cho phim hay nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc, Dựng phim xuất sắc, Nhạc phim hay nhất, Bài hát trong phim hay nhất và Kịch bản chuyển thể xuất sắc… mà cuối cùng không lãnh được giải nào. Cũng buồn thật.
Tôi thích bài hát chính trong phim “Never hear suft music again” của nhóm Free Blood. Tôi dịch cái tựa này là “Đừng có nghe nhạc ảo nữa bà con ơi” vì “Không bao giờ là quá đủ/ đừng nên xài quá liều”. Soundtrack nhạc của A.R.Rahman mà, đỉnh của đỉnh rồi. Chúng vừa ma mị, vừa phê, vừa buồn buồn lại tê tê sướng.
Tự nhiên tôi thấy cô đơn quá.
Tôi (lại) mò lên facebook sau 5 ngày off. Mò qua wall của R., tôi có post trên tường nó đoạn viết chôm từ facebook của bạn Thủy Ngô (http://www.facebook.com/Thuy.Ngo249) coi bộ nói đúng lòng mình:
“Bởi vì tôi nghĩ bản chất của cuộc sống là sự đan xen của những điều không ngờ, của những sự thay đổi và nhân duyên sắp đặt. Sự mất mát đâu có ai chuẩn bị trước được… Giữa những ranh giới mỏng manh ấy, tôi thấy con người rất dễ bị lầm lạc, và từ lầm lạc đó lại càng rơi vào hố sâu của nỗi khổ, niềm đau. Người ta vui trong cái vui dễ dãi, buồn trong những nỗi buồn vô ích và cứ trôi mãi trong cảm xúc và suy nghĩ. Có lẽ điều duy nhất tôi học được sau nhiều chuyện dồn dập, đó là sự thay đổi luôn luôn thay đổi. Đừng chống lại nó, vô ích thôi”.
Rồi tôi có viết thêm mấy dòng, như là tái bút
Mầy ở lại như cánh tay của Aron nhé. Tao sống tiếp đây và không hỏi tại sao nữa.
Hôm nay là một tối thứ Bảy đẹp trời. Ngày tôi leo lên bờ vực.


- Ba viết xong cái này thấy cũng hay. Để mai mốt lớn, cha con mình cùng coi phim này nhé!

Tình thư cho AI

  Ngày 25/4/2024 Tiếp nối những chuỗi ngày yếm thế, ba viết thư cho con. Nếu không ai đọc thì thật buồn cho người viết, nhưng một khi đã c...