Sunday, October 14, 2012

“MẸ TÔI ĐÂU RỒI?”






1.
Hồi nhỏ, tôi có lần đã thốt lên câu này khi đi lạc. Nhớ lại thời khắc đó, bàn tay của mình cần biết bao cái xiết chạm của một phần thịt da quen thuộc đẫm mùi yêu thương. Nhưng đó là khi nhỏ, ta cứ tưởng bố mẹ là tất cả và trông cậy vào họ một cách mù quáng. Sau này, lớn hơn một chút, nhìn đời to ra một tẹo, tôi tự phát hiện ra hai đấng sinh thành cũng không hoàn hảo như mình nghĩ. Và rồi theo thói quen, tự cho mình cái quyền trịnh thượng. Thậm chí bỏ rơi họ hết lần này đến lần khác, theo cách nghĩ của riêng mình.
Bỗng một ngày, tôi được bạn tặng quyển sách “Hãy chăm sóc mẹ” với lời đề từ như nhắn nhủ: Vì tất cả chúng ta đều có mẹ. Để bắt đầu tác phẩm lay động hàng triệu độc giả trên toàn thế giới, nữ tác giả Shin Kyung Sook đã ray rứt mở đầu thế này: “Mẹ đã đi lạc một tuần”. Câu chuyện diễn ra khi những người con bắt đầu hành trình tìm mẹ trên mọi nẻo đường và kể cả trong tâm tưởng. Kiểu như những đứa con vô tâm luôn tồn tại một suy nghĩ mặc định rằng: người phụ nữ quyền lực và dũng cảm đã từng bảo vệ đời ta sẽ không bao giờ có chuyện quên mất đường về.
Mà lỡ như trong cuộc đời này, không phải mẹ đi lạc mà chính ta đã lạc mất mẹ rồi thì sao?


2.
Nhân ngày 4-10-2012- Ngày động vật thế giới do Liên Hiệp Quốc công nhận -  tổ chức TRAFFIC Đông Nam Á và thương hiệu mỹ phẩm The Body Shop đã phát động chiến dịch “Mẹ tôi đâu rồi?”, nhằm nêu bật hai nạn nhân của nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp là tê giác trắng và gấu ngựa. Gần đây, rất nhiều con tê giác mẹ bị giết hại dã man, bỏ lại vô số những con non mồ côi, không thể tự vệ và có rất ít cơ hội sinh tồn. Loài gấu ngựa cũng đang chịu chung số phận là bị săn bắn, giết hại bất hợp pháp để lấy túi mật, thịt và các bộ phận trên cơ thể chúng. Chiến dịch chọn Tê giác trắng là bởi chúng nằm trong năm loài tê giác lớn nhất trên thế giới hiện đang phải đối mặt với áp lực khủng khiếp của nạn săn bắn trộm, đặc biệt là tại Nam Phi. Và không ở đâu xa, cũng vào ngày này năm ngoái, Quỹ bảo tồn thiên thiên WWF đã họp báo công bố con tê giác bị sát hại ở vườn quốc gia Cát Tiên là cá thể tê giác cuối cùng của Việt Nam.
Phải có một lý do nào đó với giá trị nhân bản rất cao mới khiến một vị nữ tiến sĩ Úc trình bày trong hội thảo, rơi nước mắt trước bức hình - thực trạng - một con gấu con bị hút mật ngay tại Việt Nam. Cô bảo mỗi năm, vô số động vật hoang dã bị bắt và giết hại bất hợp pháp do niềm tin sai lệch rằng các bộ phận của chúng có tác dụng chữa bệnh. Hậu quả là, một khi thú mẹ bị giết hoặc bị bắt, thì rất nhiều con non của chúng trở nên mồ côi và không được bảo vệ.
Cả hội trường im lặng. Hình như ai cũng đều ray rứt cho những số phận bị lạc mẹ. Không riêng gì con vật!



3.
Vài người hỏi cô rằng: “Là những cá thể đơn lẻ, liệu chúng tôi có thể giúp gì trong chiến lược toàn cầu này”. Cô bảo chỉ cần chia sẻ thông điệp này với một ý niệm hết sức đơn giản: “Vì tất cả chúng ta, ai cũng cần có mẹ. Để che chở và yêu thương”. Và nói theo lời của một vị chân sư: “Tình thương chân thật khiến ta tỏa rạng ra như một ngọn đèn. Đèn không chỉ chiếu lên trên một vài người trong phòng này, đèn sáng lên thì tất cả mọi sự vật xung quanh đều được hưởng. Cũng thế, nếu thật tình ta có tình thương trong ta thì mọi người quanh ta đều thừa hưởng - chẳng những con người được hưởng mà ngay cả cầm thú, cỏ cây và đất đá cũng được hưởng bình an và phước lành”.

Mr.V


Tình thư cho AI

  Ngày 25/4/2024 Tiếp nối những chuỗi ngày yếm thế, ba viết thư cho con. Nếu không ai đọc thì thật buồn cho người viết, nhưng một khi đã c...