Saturday, April 7, 2012
7/4/2012 - [ hội ngộ ]
Là một ngày hết sức đặc biệt - ngày ba con mình gặp nhau lần đầu tiên.
Ba đi họp cùng với G9 - một trong những dự án-không-nghĩ-tới-mà-cũng-phải-thực-hiện.
Bà Nội về Việt Nam sau chuyến viếng thăm cô Mỹ ở Pháp một tháng trời.
Nhiều nỗi niềm lắm con ạ!
Vậy nên, cứ quy định như vầy: hễ sau này khi không nói với nhau được bằng lời, ba con mình sẽ viết. Email, note, thư tay, nháp… hay mọi thứ có thể lưu lại các ký tự để giúp người này thực sự muốn hiểu người kia chia sẻ điều gì con nhé. Tiếp, còn nếu như có một tỉ câu chuyện con muốn chia sẻ nhưng không biết bắt đầu từ câu chuyện nào, ba nghĩ con nên chọn sự kiện xảy ra đầu tiên, giống như ngày hôm nay, ba mở đầu bằng hai từ [ hội ngộ ]
• Cho Tun
Ba định gọi tên con như thế, nhưng có vẻ bà nội không hài lòng. Bà Nội sẽ đặt tên ở nhà cho con theo nguyện vọng nào đó của bà. Ví dụ như chị hai Belle = đẹp, anh Bill = Bill Gates (tổng thống Mỹ, thông minh… đại loại như rứa). Bắt đầu như thế nào về Tun của ba. Gọi trước như vậy, có gì sẽ thay đổi sau:
• Bác sĩ khám ghi Tun như vầy: “Lòng tử cung có hình túi thai, bờ đều, bên trong có một phôi thai sống”.
• Tim thai “+” : có nghĩa là con đã thổn thức trong bụng mẹ rồi.
• CDPT (ba sẽ tìm hiểu sau): 19 mm.
• Kết luận: Tun nè. Kể từ cái ngày ba chạy đôn, mẹ chạy đáo làm vài thủ tục y khoa, Tun đã hình thành rồi đấy. Tối hôm đó, ba mẹ có đi ăn ốc để thư giãn. Trong lúc mà cô Phượng nào đó cho cại con hào Long Hải, bỏ lên lửa, cho vào đó nữa cục phô mai. Trong lúc mà một mối tình lén lút của hai người khách bàn kế bên đã đến hồi kết thúc. Mẹ ăn ngấu nghiến ổ bánh mì ngon lành. Trong lúc mọi sự bình yên như cái đồng hồ gõ giờ, trời vào đêm… thì có một sự kỳ diệu nho nhỏ xuất hiện. Là con đấy thôi. Vậy là Tun của ba đã được 8 – 9 tuần tuổi. Chuyện này đáng lý phải được giấu nhẹm. Có nghĩa là chỉ những người trong gia đình mới có thể biết được tin này thôi. Người ta kiêng khoe em bé cho đến khi nhóc bé được khoảng ba tháng tuổi. Thiệt là chẳng có cơ sở khoa học nào. Nhưng hãy tin rằng con ơi, sau này, sẽ có nhiều chuyện mà các kỹ thuật khoa học dù có tiên tiến nhất vẫn không thể tài nào giải thích được. Dầu gì thì cả thế giới cũng đã biết đến sự có mặt của Tun rồi. Mẹ con chẳng hài lòng chuyện này chút nào. Bà trách ba ở bên nhà dì Sáu coi bộ hậm hực lắm. Bà Nội chứng kiến chẳng bình luận gì sự kiện đó chỉ kết luận: “Sống như thế nào mà đừng để con vợ coi thường mình thì làm”. Thế đấy, cuộc sống thật là phức tạp. Nhưng hãy nhìn kỹ, mọi sự đều bắt nguồn từ những thương yêu. Mỗi người một kiểu, không ai chịu ai. Nên ba con mình cứ biết như thế.
• Cho bà nội:
Cứ hễ sau mỗi chuyến đi thăm cô Mỹ về là bà nội buồn ghê lắm. Buồn đến nỗi không ngủ được. Lúc ba đang viết cho con những dòng này thì bà Nội vẫn còn thức. Bà Nội nhớ đến cảnh sống côi cút của cô Mỹ nơi xứ người. Bà Nội nhớ tới cái tánh ý của dượng ba tư Luân thiệt tình kỳ cục. Nhưng bà không bao giờ nghe cô Mỹ than vãn câu nào. Chuyện nhà nhỏ nhà to, chuyện cái tivi thiếu hụt, chuyện ipad vẫn là một khái niệm xa vời. Nói như thế chỉ để con hiểu thêm về người nhà bên Nội, về cô Mỹ, về những người đã từng rất đỗi thân thương với ba ruột của mình. Thôi không lạc đề nữa, trở về chữ hội ngộ của Bà Nội đây. Đó là cảnh bà Nội gặp lại ông nội. Nếu có đứng bên cạnh ba, chắc ba sẽ nắm tay con thiệt là mạnh. Ba chỉ chỉ, ba nói con kìa, coi kìa, coi có cảnh nào đẹp như cảnh này không. Con hỏi ba cảnh gì, cảnh gì ba. Ba nói đó đó, cái ông già ngồi trên xe lăn, con mắt đầy ghèn, hàm răng súng súng, bàn tay rung rung, cái gò má phính phính là ông nội con đó. Những khó khăn trong khâu di chuyển, vệ sinh cá nhân, sức khỏe bản thân… ở cái tuổi hơn 70 lại còn thêm chứng khóa trong Pakison cũng không thể nào cản nỗi nụ cười không thể nào tươi hơn của ông nội. Nụ cười đó át cả tiếng nói nhỏ rí trong cổ họng của người già, mà nếu muốn nghe thật rõ, con phải ghé sát tai vào. Xong xuôi, con nghe thế này: em hả, em về rồi, anh nhớ em quá, ngày nào anh cũng trông em, ở ngoài ban công, và anh thấy cái bóng đèn đường, anh hỏi thằng Vinh có phải trăng không. Hôm nọ, anh có bàn với nó giải quyết cái vụ mặc tả của anh. Anh thấy nó kỳ kỳ. Nhưng thôi kệ. Em về rồi. Và anh an tâm, tối nay ngủ ngon lắm đây.
• Lại cho Tun:
o Hồi nhỏ, có lần đi học về, ba lấy hết sức từ đằng xa, chạy thiệt nhanh lên bậc thang, chỉ để ôm bà nội, bà đang đứng và nói chuyện với ai đó không rõ. Ba ôm cổ bà nội chặt đến nỗi cả hai té lăn cù. Sau này, lớn lên một chút, người lớn không còn cái khuynh hướng biểu hiện tình cảm hết sức tình cảm như thế nữa. Nhưng ba muốn Tun, làm gì cũng được, dù con nhỏ xíu như hột đậu hay đã là những người trưởng thành già ơi là già, hễ đi đâu về, con phải chạy lại ôm ba một cái. Hễ đi đâu xa, con phải gọi ba ít nhất một cuộc điện thoại. Hễ buồn te tái, thì cứ chạy về nhà. Ba vẫn sẽ ngồi ở vị trí, có thể giống như ông nội, im lặng và chỉ mỉm cười. Nhưng con biết rồi đấy, cái ôm thật chặt sẽ giúp ba được an ủi. Nhiều nhiều lắm Tun ơi.
P/s: hôm nay, ba mẹ có nhắc lại với nhau về những ngày yêu đầu tiên. Mẹ nhắn mới đó mà đã hai năm. Coi bộ buồn nhiều. Vì tối nay ba đi về Cai Lậy, nên không có ai cho mẹ cằn nhằng, chửi bới. Ba không nhớ mẹ chút xíu nào, ba nhớ chỉ cái tin nhắn mẹ nhở viber chuyển tới: “cảm ơn anh đã xuất hiện để đời em thêm hát ca và thêm những nỗi buồn không tên khác”. Tóm lại mà mẹ con làm văn dở tệ. Hahahaha, đừng nói lại cho mẹ nghe nhé, bà sẽ nổi khùng!
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Tình thư cho AI
Ngày 25/4/2024 Tiếp nối những chuỗi ngày yếm thế, ba viết thư cho con. Nếu không ai đọc thì thật buồn cho người viết, nhưng một khi đã c...
-
1. Hồi nhỏ, tôi có lần đã thốt lên câu này khi đi lạc. Nhớ lại thời khắc đó, bàn tay của mình cần biết bao cái xiết chạm của ...
-
Chớp mắt cái đã cuối năm rồi. Khép lại một khoản thời gian cũ, mở ra khúc thời gian mới. Đây là bài post có nội dung nhìn lại. 1. Sau khi ...
No comments:
Post a Comment