Sunday, October 14, 2012

“MẸ TÔI ĐÂU RỒI?”






1.
Hồi nhỏ, tôi có lần đã thốt lên câu này khi đi lạc. Nhớ lại thời khắc đó, bàn tay của mình cần biết bao cái xiết chạm của một phần thịt da quen thuộc đẫm mùi yêu thương. Nhưng đó là khi nhỏ, ta cứ tưởng bố mẹ là tất cả và trông cậy vào họ một cách mù quáng. Sau này, lớn hơn một chút, nhìn đời to ra một tẹo, tôi tự phát hiện ra hai đấng sinh thành cũng không hoàn hảo như mình nghĩ. Và rồi theo thói quen, tự cho mình cái quyền trịnh thượng. Thậm chí bỏ rơi họ hết lần này đến lần khác, theo cách nghĩ của riêng mình.
Bỗng một ngày, tôi được bạn tặng quyển sách “Hãy chăm sóc mẹ” với lời đề từ như nhắn nhủ: Vì tất cả chúng ta đều có mẹ. Để bắt đầu tác phẩm lay động hàng triệu độc giả trên toàn thế giới, nữ tác giả Shin Kyung Sook đã ray rứt mở đầu thế này: “Mẹ đã đi lạc một tuần”. Câu chuyện diễn ra khi những người con bắt đầu hành trình tìm mẹ trên mọi nẻo đường và kể cả trong tâm tưởng. Kiểu như những đứa con vô tâm luôn tồn tại một suy nghĩ mặc định rằng: người phụ nữ quyền lực và dũng cảm đã từng bảo vệ đời ta sẽ không bao giờ có chuyện quên mất đường về.
Mà lỡ như trong cuộc đời này, không phải mẹ đi lạc mà chính ta đã lạc mất mẹ rồi thì sao?


2.
Nhân ngày 4-10-2012- Ngày động vật thế giới do Liên Hiệp Quốc công nhận -  tổ chức TRAFFIC Đông Nam Á và thương hiệu mỹ phẩm The Body Shop đã phát động chiến dịch “Mẹ tôi đâu rồi?”, nhằm nêu bật hai nạn nhân của nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp là tê giác trắng và gấu ngựa. Gần đây, rất nhiều con tê giác mẹ bị giết hại dã man, bỏ lại vô số những con non mồ côi, không thể tự vệ và có rất ít cơ hội sinh tồn. Loài gấu ngựa cũng đang chịu chung số phận là bị săn bắn, giết hại bất hợp pháp để lấy túi mật, thịt và các bộ phận trên cơ thể chúng. Chiến dịch chọn Tê giác trắng là bởi chúng nằm trong năm loài tê giác lớn nhất trên thế giới hiện đang phải đối mặt với áp lực khủng khiếp của nạn săn bắn trộm, đặc biệt là tại Nam Phi. Và không ở đâu xa, cũng vào ngày này năm ngoái, Quỹ bảo tồn thiên thiên WWF đã họp báo công bố con tê giác bị sát hại ở vườn quốc gia Cát Tiên là cá thể tê giác cuối cùng của Việt Nam.
Phải có một lý do nào đó với giá trị nhân bản rất cao mới khiến một vị nữ tiến sĩ Úc trình bày trong hội thảo, rơi nước mắt trước bức hình - thực trạng - một con gấu con bị hút mật ngay tại Việt Nam. Cô bảo mỗi năm, vô số động vật hoang dã bị bắt và giết hại bất hợp pháp do niềm tin sai lệch rằng các bộ phận của chúng có tác dụng chữa bệnh. Hậu quả là, một khi thú mẹ bị giết hoặc bị bắt, thì rất nhiều con non của chúng trở nên mồ côi và không được bảo vệ.
Cả hội trường im lặng. Hình như ai cũng đều ray rứt cho những số phận bị lạc mẹ. Không riêng gì con vật!



3.
Vài người hỏi cô rằng: “Là những cá thể đơn lẻ, liệu chúng tôi có thể giúp gì trong chiến lược toàn cầu này”. Cô bảo chỉ cần chia sẻ thông điệp này với một ý niệm hết sức đơn giản: “Vì tất cả chúng ta, ai cũng cần có mẹ. Để che chở và yêu thương”. Và nói theo lời của một vị chân sư: “Tình thương chân thật khiến ta tỏa rạng ra như một ngọn đèn. Đèn không chỉ chiếu lên trên một vài người trong phòng này, đèn sáng lên thì tất cả mọi sự vật xung quanh đều được hưởng. Cũng thế, nếu thật tình ta có tình thương trong ta thì mọi người quanh ta đều thừa hưởng - chẳng những con người được hưởng mà ngay cả cầm thú, cỏ cây và đất đá cũng được hưởng bình an và phước lành”.

Mr.V


Tuesday, June 12, 2012

MONDAY MORNING SMILES - 4



TÔI 

"Tình yêu và buổi sáng

Bây giờ là buổi sáng - một buổi sáng có nắng vàng hanh trên con đường lá cỏ
Tôi chỉ muốn nói với em một lời: anh yêu em

Tôi muốn nhìn thấy đôi mắt bỡ ngỡ và bàn tay thẹn thò vì những lời hò hẹn

Em đừng trách tôi sao vội vã giữa chỗ đông người: để chiếc nón u buồn khép vào bờ môi rười rượi ướt

Tình yêu không là những lời toan tính - thì em cũng đừng bắt tôi phải đắn đo: để cho bàn tay du thuyền ngập ngừng trên những làn sóng biếc

Nếu em không hài lòng - em có quyền đi
Cũng như em đã đi chơi trên những bờ sông vào những buổi chiều và nhìn mây bay trong những lần gió thổi

Nhưng xin em cũng đừng vì tôi mà e ngại dùm con chim trời đang mỏi cánh giữa trời xa
Cũng đừng vì mùa thu mà ấp ủ những chiếc lá khô vàng
Cũng đừng vì mùa đông mà sưởi lên nhóm lửa để tan lạc chiếc áo sương mù vì tro xám

Và xin em đừng trách tôi tại sao dám mưa làm giọt lệ buồn cài hoa trên những làn tóc ướt?
Và bài thơ có nghĩa gì khi tiếng khóc cũng chỉ là một thứ âm thanh?
Những tiếng sóng gầm thét, gào vang mang phù hiệu của một chuỗi cười đùa?
Xin em cho tôi được quyền ngạo nghễ như ánh lửa mặt trời chói chang vũ trụ - khiến cho bóng tối không dám hót ca mà phải cúi đầu trốn nhũi.
Em cứ tự nhiên sử dụng uy quyền tuyệt đối của ngôi vị nữ thần ban phát cho loài chim những điệu hót ca
Và chuyền sang những ánh sắc diễm huyền cho những hương hoa được biến thành dị thảo
Em có quyền run đôi tay làm khúc hát nghê thường
Và em có quyền làm đắm say lòng người bằng ngọn sóng đam mê của dòng suối thiên thần mắt biếc

Em có quyền bắt bướm tìm hoa kết lá làm thành mùa xuân

Thì xin em cũng đừng vì chút ngại ngùng giữa một lối đời đông khách và quãng đường đầy rẫy ngựa xe - cho tôi được mở cửa hồn mình gọi gió muôn phương chuyển về dự phần sính lễ

Lời nói yêu em không còn mang vẻ ngăn cách thẹn thò dẫn tôi và em vào lâu đài tình ái

Bây giờ là buổi sáng - một buổi sáng có nắng hanh vàng trên con đường lá cỏ
Tôi chỉ muốn nói với em một lời:
Anh yêu em!" 
...

MONDAY MORNING SMILES - 3


MỘNG MƠ

Luigi
Hy vọng, ngay khi đáp xuống sân bay Rome, anh đã có thể đọc được những dòng viết này.
Đây, lá thư tình đầu tiên. Viết như đã hứa.

Em lười. Lười thật sự. Đó là chân lý không thể chối cãi. Nhưng về lời hứa viết cho anh mỗi ngày, em sẽ ráng duy trì. Để rồi xem, sẽ có ngày anh nhận được nhiều hơn hai lá thư, thậm chí là ba, bốn. Rồi đến ngày không có chữ nào nữa cho mà xem. Hihi, anh quá hiểu em rồi còn gì!
Đừng có mà phiền trách.

Luigi này, Luigi, Luigi, Luigi!
Em thích gọi tên anh. Thậm chí, khi cái tên này khẽ vang lên trong vô thức, em cũng nghe ngọt ngào xiết bao, như cách em vẫn thì thầm vào tai anh thật khẽ, mỗi khi Luigi của em dậy muộn, mỗi khi em nhờ anh tắt hộ mụ iphone báo thức đáng ghét vào mỗi đầu ngày.

Có lẽ giờ này, Luigi của em đang yên vị trên máy bay. Em có thể hình dung ra khung cảnh này rất rõ, kiểu như em vẫn đang ở bên anh, tựa đầu vào vai anh, hay vùi mình vào cái mùi Ý ngây ngất phả ra từ trái tim anh vậy. Kể từ hôm nay, ngày anh đi, em luôn tự nhắc mình rằng con đường vẫn không thay đổi. Ngôi nhà ở phía trên cao thành phố vẫn trơ lì, có ô cửa xanh mở toan đón nắng. Và bên dưới là hai chậu cây phát tài ưỡn ẹo… Nhưng giờ lá đã to hơn, bầu trời nhiều mây hơn, và màu của chiếc phong linh đã bắt đầu sờn bạc. Em sợ người đồng hành hôm nay, không phải người của ngày hôm qua. Em cũng như anh vậy, níu kéo rất dở.

Lúc chạy từ sân bay đến nhà, vẫn lối về quen thuộc, em đã nghe Luigi nói với em bằng một câu tiếng Việt rất sõi, không biết học từ ai: “mỗi khi yêu lại một lần, thì vẫn là những cuồng si rất mới”. Em có dừng lại ở một ngã tư nào đó không rõ. Rồi em bắt đầu suy nghĩ vẫn vơ. Em nhìn lên bầu trời và trách rằng sao anh không ngoái nhìn lại em như ngày hôm qua, hôm kia và những ngày xưa nóng hổi. Bất chợt, em phát hiện mình đang khóc ngon lành. Hình như là to lắm, vì trong số những người qua đường, có một gã xấu xí đang ngoái nhìn. Thế là em vờ lấy tay để đếm đến ngày anh về, nhưng âu lo khiến em cộng trừ không còn chính xác.

Ai chẳng biết định mệnh có thể thay đổi, trong khi mọi thứ còn lại thì không. Ví như một lời nói, ly mojito cay sè, một lần trọn vẹn…đến tàn tiệc thôi đã không còn như chúng là. Luigi của em đang bay đến rất gần thiên đường. Chỗ của anh lúc này có cô đơn và trống trải như lòng em phía dưới này không. Trong thinh lặng, em lại thấy mình mỉm cười. Thế là em trở lại ngay với Luigi của em, trong khoan máy bay, ở hàng ghế First Class, nơi hai ta có thể dũi chân thẳng, tuột vớ và móc những ngón chân vào nhau. Tay vẫn nắm đấy thôi!

Em đang nghe bài hát của hai đứa. “Vola”. Có vẻ mãnh liệt đấy nhưng thú thật, em chả hiểu gì cả. Em yêu bài hát này bởi vì anh yêu nó. Thế thôi.

Luigi, nảy giờ anh chả để ý gì đến em cả. Coi bộ anh mê những công trình kiến trúc hơn em đấy. Em vừa pha thêm bột cream vào tách cà phê nóng hổi kìa. Ngủ tí đi Luigi. Để em thấy hàng mi anh vừa chạm khẽ xuống mí dưới. Ngày mai, khi nắng chiếu từ ô kính máy bay, chúng và cả bộ ria nâu nhạt mềm mại ấy sẽ trở nên trong suốt, đẹp đến tuyệt vời. Ước gì Luigi của em đặt quyển tạp chí xuống và hôn em ngay lúc này. Em sẽ ấm và hôn lại anh ngay. Và xoa đầu anh, như kiểu người lớn hay làm với mấy em bé ngoan bé bỏng.

Em ghét chuyện phải nhớ anh điên cuồng, trong lúc hai ta đang gần nhau. Em ghét luôn cảm giác lo sợ mơ hồ khi anh vẫn ôm em thật chặt trong suốt hai tháng qua. Em ghét luôn cả chuyện cô tiếp viên sẽ mang đến cho anh bộ gối mềm, trong khi sáng mai, em chẳng còn thấy ai bên mình. Em khóc tiếp đây, và anh cứ ngủ ngoan đáng ghét như thế.

Anh chẳng cho em yên nhé, Luigi. Đang nằm viết mà không thể nào thôi nhớ anh đấy.
Hay là vầy, anh đừng trở lại đây nữa.
Một ý nghĩ kỳ quái?
Vì anh về bên em rồi lại ra đi. Mà em thì không thích cái cảm giác miễn cưỡng chia cắt đó. Nếu như không muốn nói là phát điên lên, vì mất anh. Mất anh một lần nữa…
Cảm ơn anh đã đọc lá thư tình đầu tiên. Từng chữ một.
Em sẽ vẫn viết cho anh… Thôi, đừng chờ em. Ghét rồi.
Mi machi tesoro mio… < Em nhớ anh nhiều…>
May quá, Mildred Bailey cứu rỗi linh hồn em

“Oh, It’s time to dream, a thousand dreams of you!
It’s been so grand together, yes, together.
You thrilled my from the start.
You brought the spring again.
Your fingers touched the strings of my heart
And made it sing again.
I hope you dream a thousand dreams of me.
And if you do, I dream my whole life through.
A thousand, a million, a zillion dreams
Of you!”

Luigi, em ghét anh
và tội nghiệp em quá chừng quá đỗi.
Luigi, ngày mai là thứ hai.
Thứ Hai đầy tiên không có anh cơ đấy…


MONDAY MORNING SMILES - 2


TỘI NGHIỆP 


Anh! 
Em vừa đi xem fim về anh a, người ta thì cười, còn em khóc. Em nhớ anh nhiều lắm, chắc anh cũng đang nhớ em phải không:) Em đã lỡ hẹn xem film với anh bao nhiêu lần rồi nhỉ? Những mong ước cuối cùng đó e cũng không thực hiện đựợc cho anh.
Anh xa nhớ ! 
Em xa anh đã 2 tuần rồi! Với em mỗi ngày trôi qua dài vô hạn. E vẫn ko tin mình đã vĩnh viễn lìa xa nhau. Em ước gì đó chỉ là giấc mơ, để khi tỉnh giấc anh vẫn ở bên em, vẫn quan tâm, chăm sóc, chia sẽ mọi thứ với em và chúc em ngủ ngon mỗi tối. Vẫn là ánh mắt trìu mến, yêu thương dành cho em dù em có gây ra bao nhiêu lỗi lầm. Vẫn là những lời nói nhẹ nhàng dù em đang nạt nộ hay bực tức. Em nhớ xiết bao cái ngày cuối cùng gặp anh, hôm đó anh vui lắm, ánh mắt anh rạng ngời hạnh phúc vì đã hai ngày rồi mình ko gặp nhau. Anh à! E biết em đã có lỗi, ích kỷ với anh như thế nào, em đã đối xử tệ với anh ra sao. Không  phải em không quan tâm đến cảm giác của anh nhưng em cố lờ đi tất cả . Em muốn anh phải quên em đi, em muốn anh phải tìm được hạnh phúc khác nhưng em đâu biết rằng, hay em cố tỏ ra không biết chỉ khi bên em, anh mới được hanh phúc. Em đau đớn vì khi mất anh rồi em mới nhận ra được sai lầm đó và không bao giờ có cơ hội sửa sai. Em cứ day dứt mãi vì những mong muốn nhỏ bé của anh em cũng không thực hiện được.
Nhưng mà anh ơi! mình đã từng có thời gian rất hanh phúc phải không anh! Em đã từng rất rất yêu anh.
Anh luôn hỏi em : 

- Anh là người em đã yêu nhiều nhất trong tất cả những mối tình của em phải ko? 

- Uh, em đã yêu anh nhiều nhất, lâu nhất 
Em thương anh nhiều lắm, honey.
Mãi mãi vẫn vậy . 

- Vậy là anh vui rồi
Niềm vui của anh nhỏ bé vậy thôi, chỉ cần biết em đã yêu anh nhiều nhất là anh vui. Anh luôn yêu em mà ko cần sự đáp trả, ko cần sự quan tâm của em. Anh chưa ngừng yêu em dẫu chỉ là một phút. Anh chỉ cần biết em đang vui thì anh cũng sẽ vui, em được hạnh phúc thì anh mới hạnh phúc. Đó là tình yêu đích thực, tình yêu đích thực đầu tiên mà em đã từng biết, từng thấy. Em luôn biết là sẽ không ai yêu em nhiều hơn anh, sẽ không ai chiều chuộng em hơn anh, sẽ không ai hiểu em như anh, sẽ không ai có thể hy sinh cả sự nghiệp và gia đình vì em. Nhưng vì tất cả những điều đó làm em dần xa anh.
Em cho rằng anh là người đàn ông không mạnh mẽ, em luôn muốn một người đàn ông phải đặt sự nghiệp và gia đình lên trên hết và cũng có lẽ em đã ko vượt qua được rào cản của gia đình nữa. Chỉ duy nhất mỗi anh mới cảm nhận được nổi khổ tâm trong em. Em hối hận vô cùng anh ah! Em sẽ không như vậy nữa đâu, hãy quay về với em đi anh.
Anh đã hứa mình sẽ luôn bên nhau kia mà, anh đã hứa anh sẽ ở bên em bất cứ lúc nào em cần, anh sẽ đợi em mãi mãi, nếu sau này chồng em có ăn hiếp em thì anh sẽ cho một bài hoc mà. Sáu năm 3 tháng quen nhau, anh chưa từng thất hứa với em một lần nào. Cho dù sự cách trở về địa lý, cho dù mình ở rất xa nhau nhưng anh vẫn chưa một lần lỡ hẹn với em kia mà. Giờ anh chọn cách này để làm em đau vậy sao anh? Trái tim em đang rỉ máu, đau nhói nhưng em biết nó không  bằng nỗi đau mà anh đã phải chịu đựng. Sao anh không để em được chăm sóc anh một ngày nào, để phần nào em được thấy an lòng hả anh?
Nói sao cho hết sự hụt hẫng, đau đớn này đây. 
Em luôn yêu thương anh và cần anh trong cuộc sống, cần những lời động viên, cần những câu nói quan tâm của anh biết bao. Nếu đây là một giấc mơ dài thì em xin mình sẽ mãi được bên nhau, em sẽ bù đắp tất cả cho anh . Bao nhiêu câu giá như… cứ luẩn quẫn trong đầu em, nhưng đã quá đỗi muộn màng vì anh đã quá xa vời…
Vậy thì em xin kiếp sau mình sẽ bên nhau anh nhé! Anh nói kiếp này mình đã không thành, thì anh muốn kiếp sau mình sẽ nên duyên vợ chồng, chắc chắn là như vậy. Âu đó là số phận và anh cũng đã lựa chọn cách ở bên em rồi. 
Em không còn được thấy khuôn mặt hiền hậu của anh, không thể nghe anh nói, không thể thấy anh cười nhưng em vui vì biết rằng bây giờ anh vẫn luôn bên em, luôn dõi theo và phù hộ cho em. Em luôn để dành một chỗ ngồi cho anh kế bên em, mọi lúc, mọi nơi. Em cảm nhận anh gần gũi lắm. Anh hãy vui vì có rất nhiều người vẫn luôn quan tâm đến anh. Em sẽ cố gằng sống thật tốt để được lên thiên đàng cùng anh. Em hứa với anh em sẽ vui và nhất định sẽ được hạnh phúc, thành đạt.
Nhớ anh nhiều! 

Thương yêu anh vô ngần!
Hình như hôm nay là thứ hai...

MONDAY MORNING SMILES


TÔI

 Gửi bạn
Tôi đang viết trong hoàn cảnh như vầy:
-         Cặp mắt kính vừa gãy đôi (một giây trước)
-         Quên kéo khóa quần khi gặp hơn 20 người đẹp (nhục trong hạnh phúc)
-         Tiền ít, tình tan, đời tàn, dép cao su rách (thảm như bị hãm)
-         Một đống deadline cho nhiều dự án công việc, gia đình… bám meo (chán phèo)
Dùng kết luận: “Lời hứa, trách nhiệm và danh phận đang trôi tuột qua tầm tay” có lẽ thích hợp nhất.
Tuy nhiên, bạn cũng biết rồi đấy (mà hình như chưa), tôi là thể loại người không biết buồn. Thi thoảng, khi chẳng có chuyện gì buồn, tôi có buồn một chút… rồi thôi. Trong những lần gặp đầu tiên, bạn bè đều bảo tôi là người dễ gần, lại có phần vui tính. Kỳ thực, dù cho bên trong có héo úa đến đâu, tôi vẫn treo ngoài mặt một nụ cười tươi cộng thêm lối cư xử có thể đoạt giải “bông hậu” thân thiện. Ngoài chuyện viết lách linh tinh, tôi còn là thợ chụp ảnh nổi tiếng… giỏi và tinh tế. Chú ý, những bình luận trên là của tui, chứ không phải của người ngoài. Nên tôi nghĩ mình vừa xấu lại được bổ sung bởi  lòng tự tin nữa là “Chuẩn ổn!”.
Thu nhập từ hai công việc này, giúp tôi đủ trang trải học phí năm đầu đại học. Nói chung, tôi sống khá tiết kiệm. Thi thoảng, tự thưởng cho mình một chiếc vé xem phim, đôi giày, sách mới của Nguyễn Ngọc Tư… hay ngồi ăn đâu đó. Tôi không ưa quần áo vì căn bản gu thời trang của tôi không ổn lắm. Thi thoảng (tôi thích dùng lại chữ này cho nó thơ), tôi làm những bài mix&match thể nghiệm phối đồ trên chính mình. Đa phần các sáng tạo ấy đều đi trước thời đại. Nghĩa là khán giả không hiểu mẫu đang mặc thể loại gì, trong khi giới stylist chung cơ quan tỏ ra khá e dè kiểu miễn bình luận. Ý thức được chuyện đó, nên tôi không muốn nói thêm về vấn đề này, kể từ giờ phút này.
Tôi có hai hình xăm trên tay phải. Một là chữ “ôm”, hai  là chữ “prajinaparamita” (nghĩa là: Sắc tức thị không, không tức thị sắc). Tuy chúng không hầm hố cho lắm, nhưng tôi hầm hố đủ cho cả ba. Tôi tự hào với chúng, cũng như rất ưa kiểu tóc nữa Tae Yang lai Bằng Kiều. Trong khi mọi “tác phong” trên người tôi đều khiến phụ huynh mẹ đau đến nhói lòng. Cứ mỗi lần rời quê nhà lên thăm thằng con út trai, bà đều “nhói” tim như thế. Bà nói trong lúc tôi chở ra bến xe là bà không còn lời nào để nói nữa. Kiểu đó chắc buồn lắm đây! Nhưng sau này hy vọng mẹ sẽ hiểu tôi hơn bởi chuyện tôi nghiêm túc bảo vệ chủ quyền cái đầu mình.
Kể tiếp về tôi (dù bạn vừa ngáp) rằng tôi nghiện đôi bàn chân múp míp của mình. Mọi người nói chúng đáng yêu như những chùm chuối cau. Tuy phần gót hơi nẻ nhưng bù lại mười ngón chân lúc nào cũng được cắt dũa gọn gàng. Tôi đặc biệt thích ngửi mùi khóe chân khi cắt. Nó khắm khắm và hay hay và thơ thơ. Tuy nhiên, tôi chỉ làm mấy chuyện tế nhị này khi ở nhà một mình. Nghe đâu có gì là ghê so với bọn chuyên xỉa răng rồi … tự ngửi.
Xong!
Kết thúc một ngày làm việc, tôi áp hai bàn tay vào má mình để nghe mùi café sữa đá, mùi thuốc lá, mùi hộp mực rim me của cô bạn đồng nghiệp. Tôi đến tòa soạn muộn và ra về khá trễ. Trước đó, phải hoàn thành mớ thao tác sau: tắt máy lạnh, shut down máy tính, dọn bàn, lau màn hình, tưới nước cho hai chậu phát tài, nhặt lá ba chậu trầu bà, uống một ly nước lọc. Ngày nào cũng như ngày nào.
Hôm nay là sáng thứ hai.Tôi chợt nghĩ về một điều gì đó ít buồn như status “Monday morning smiles” chẳng hạn. Nó hứa hẹn là một câu chuyện tình vui và hay vừa phải. Câu chuyện này thoạt đầu không liên quan đến ai. Ti - cô bạn đồng nghiệp - nói cái chuyện này có vẻ hay ho. Tôi tin mình sẽ thành công và trở thành một nhà văn lưu danh sử sách.

 À quên, xin tự giới thiệu, tôi tên Chim một phóng viên trẻ người non dạ.
Bạn cứ gọi thoải mái, đừng ngại! 

Còn tôi đang bận nhớ đến nàng...



 

Monday, April 23, 2012

http://www.go.vn/diendan/showthread.php?573994-Khi-bo-co-n-tho-Faina-Glagoleva

Vài lời của tác giả

Các cháu thương mến!

Tôi muốn kể cho các cháu lý do viết cuốn sách này. Tôi có một cô con gái tên là Xasa. Bây giờ cô ấy đã lớn, khi nói về mình, cô ấy thường nói: “ Khi con còn bé…” Vâng, khi còn rất nhỏ, Xasa thường đau yếu, lúc thì cảm cúm, lúc thì viêm họng hay bị sưng tai. Nếu có lúc nào đó tai các cháu bị làm độc, các cháu mới biết nó đau đến dường nào. Nếu không, cũng chẳng còn cách nào giải thích cho các cháu hiểu được.

Có một lần Xasa đau tai, khóc suốt cả một ngày, một đêm, không ngủ được chút nào cả. Tôi thương con gái đến nỗi muốn khóc theo nó luôn. Tôi đã đọc sách hoặc kể chuyện vui cho cô bé nghe. Tôi kể câu chuyện vì sao lúc còn nhỏ tôi đã ném một quả bóng mới của mình xuống gầm xe. Xasa rất thích câu chuyện đó. Cô bé ngạc nhiên khi biết rằng Bố mình cũng từng là một cậu bé, đã làm những trò tinh quái, cũng đã từng bị phạt. Cô bé nhớ câu chuyện đó và cứ khi nào đau tai, Xasa lại kêu lên: “Bố ơi! Tai con đau quá! Kể cho con nghe chuyện lúc Bố còn bé đi!” Và mỗi lần như thế, tôi lại kể một câu chuyện. Các cháu sẽ đọc những câu chuyện đó trong tập sách này. Tôi đã cố nhớ lại tất cả các chuyện đã xảy ra với tôi vì tôi muốn làm cho cô con gái đau ốm của tôi cười lên. Hơn nữa, tôi muốn con tôi hiểu rằng thật không tốt đẹp gì khi mình tham lam, ích kỷ, khoe khoang hoặc hợm hĩnh.

Không có nghĩa là lúc nhỏ khi nào tôi cũng thế cả. Có khi không nghĩ ra được chuyện nào, tôi lại kể chuyện của những ông Bố khác mà tôi biết. Xét cho cùng thì ông Bố nào cũng từng là một cậu bé. Do đó, các cháu sẽ không thấy có chuyện nào trong này là bịa đặt cả, tất cả các cậu bé con nào cũng đã gặp phải. Bây giờ Xasa đã lớn. Cô ấy ít khi đau ốm và có thể tự mình đọc những cuốn sách rất lớn.

Nhưng tôi cho rằng có lẽ tất cả trẻ con đều muốn biết điều gì đã xảy ra cho một ông Bố khi còn nhỏ.

Đó là tất cả những gì tôi muốn nói. Nhưng hãy chờ đã! Còn có nhiều điều hơn nữa đối với cuốn sách này. Mỗi một người trong các cháu có thể tự mình khám phá phần còn lại bởi vì Bố của các cháu cũng có thể kể chuyện lúc ông ấy còn nhỏ và Mẹ của các cháu cũng vậy. Tôi cũng rất muốn nghe các câu chuyện đó nữa.

Chúc các cháu mọi sự tốt lành

Bạn của các cháu
A. RASKIN




Friday, April 20, 2012

William Faulkner và sứ mệnh của nhà văn


(Trích Con đường sáng tạo, Nguyễn Hữu Hiệu, 1973)
1.
William Faulkner sinh năm 1897 tại New Albany, Mississipi. Ít lâu sau gia đình ông dọn tới Oxford, nơi cậu Falkner (không có “u”), dầu đọc sách rất rộng, thi trượt trung học. Năm 1918 ông gia nhập Không Quân Hoàng Gia Gia Nã Đại. Bị thương nhẹ, ông trở về đi học đại học lại rồi bỏ dở.
Được Sherwood Anderson khuyến khích, Faulkner viết Soldier’s Pay, (1926), cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông được nhiều người đọc là cuốn Sanctuary (1931), một cuốn sách kích động ông viết sau Mosquitoes (1927), Sartoris (1929), The Sound and the Fury (1929)  As I Lay Dying (1930). Một loạt tiểu thuyết kế tiếp tạo thành Yoknaptawpha huyền sử: Light in August (1932), Pylon (1935), Absalom, Absalom! (1936) The Unvanquished (1938), The Wild Palms (1939), The Hamlet (1940)  Go Down Moses (1941), Những tác phẩm quan trọng của ông sau Thế Chiến II là: Intruder in the Dust (1948), A Fable (1954) và The Town (1957). William Faulkner được giải thưởng Nobel văn chương năm 1949.
Tất cả những nhân vật của Faulkner đều cảm nghiệm sự quyến rũ của bất hạnh, của suy đồi hay của cái chết. Những nhân vật lớn của Faulkner đều có thái độ nhẫn nhục khôn ngoan của nhân vật Sophocle. Khuất lụy định mệnh, chấp nhận định mệnh khốc liệt một cách thầm lặng, gánh tất cả gánh nặng quá khứ, một cách gan góc. Can trường, rộng lượng, lương thiện, dịu dàng, đau khổ, nhẫn nại và kiêu hãnh vươn thẳng lên sau giông tố, là điều Faulkner muốn truyền đạt qua tác phẩm của ông. Vì lẽ đó ông ca ngợi những người da đen, những nông dân, những kẻ ngây dại, những trẻ em, những kẻ sống bằng bản năng, những kẻ nghèo khó, những kẻ tin vào cuộc đời, vào tình người, vào quá khứ. Bởi họ sẽ tồn tại như cỏ già trên sa mạc cằn khô.
2.
“Con người là tổng số của những nỗi bất hạnh của hắn. Người ta có thể nghĩ rằng nỗi bất hạnh một ngày kia sẽ kết liễu bằng cách mỏi mòn đi, nhưng lúc đó chính thời gian lại trở thành nỗi bất hạnh của ta” (a man is the sum of his misfortunes. One day you’d think misfortune would get tired, but then time is your misfortune…)
Tư tưởng thường được trích dẫn trên trong cuốn Âm thanh và cuồng nộ khiến người ta hiểu lầm Faulkner rất nhiều. Tiểu thuyết Faulkner không riêng gì cuốn Sanctuary chính là “sự thâm nhập của bi kịch Hy Lạp vào tiểu thuyết trinh thám” (l’intrusion de la tragédie grècque dans le roman policier) như nhận xét của Malraux. Có lẽ phải nói đó là một cuộc phục hồi và canh tân của Bi Kịch.
3.
Bàn về tác dụng của bi kịch, Aristote chỉ nói đúng một nửa khi nhận định rằng trong bi kịch đó có mầm kinh hoàng và bi thương, Schopenhauer cũng chỉ đúng bán phần khi cho rằng bi kịch dậy người ta nhẫn nhục. Không, bi kịch là một cái gì khác thế và hơn thế nữa. Nếu Aristote có lý thì bi kịch sẽ là một nghệ thuật tai hại cho cuộc đời; ta phải đề phòng chống lại nó như một nguy hại chung và như một nỗi ô nhục. Nghệ thuật thông thường là kích thích mãnh liệt của cuộc đời, một nỗi say sưa cuộc đời, một ý chí sống, trong trường hợp này lại phục vụ cho sự đồi bại, phục vụ cho bi quan chủ nghĩa nguy hại cho sức khỏe chung. [1] Nếu Schopenhauer có lý thì bi kịch lúc đó sẽ là một hiện tượng phân hóa, băng hoại. “Bi kịch sẽ là một triệu chứng suy đồi” (Sđd.)
Bi kịch, theo Nietzsche, trước hết là một phương thuốc phòng ngừa, “một cuộc chủng đậu chống lại định mệnh không thể tránh khỏi” (eine Inoculation des unvermeidlichen Schicksals). Từng chút, từng chút một, qua bi kịch, cảm xúc bi tráng được tiêm nhiễm, trồng độc vào trong chúng ta, để sửa soạn cho chúng ta sẵn sàng đón nhận những mối kinh hoàng thật có. [2] Và để chúng ta thấu hiểu định mệnh thê thảm bao la chung của con người mà trên đó những nỗi đau khổ của ta chỉ là một phần tử rất nhỏ, để chúng ta thấy rõ rằng tất cả những nỗi đau khổ của cuộc đời chúng ta chỉ triệt tiêu khi chúng gia tăng và bằng mẫu số chung, nghĩa là khi con người phóng lớn định mệnh riêng tư đến độ tương đồng trùng khít với định mệnh con người.
Vì hiểu mệnh là yêu mệnh
Amor fati
hiểu mệnh là giải mệnh
understanding destiny is its undoing [3]
Chuyến xe luân lạc chở người truân chuyên chỉ dừng lại khi người bạc mệnh bằng lòng nhận phận.
4.
Faulkner còn đi xa hơn nữa. Con người không những phải nhẫn nhục chấp nhận định mệnh, con người còn phải chiến thắng cả định mệnh nữa.
Và nâng đỡ con người và khuyến khích con người trong cuộc chiến đấu để sinh tồn và trường tồn ghê gớm này là chức vụ của nhà văn. Nhà văn không được chiều theo sự yếu đuối và sa đọa của con người. Không thể có một thứ nghệ thuật hư vô. Không thể có một thứ nghệ thuật đòi chết. Không thể có một thứ nghệ thuật bi quan. Nghệ thuật bao giờ cũng phải khẳng định.
It n’y a pas d’art pessimiste… L’art affirme.
Nietzsche, Volonté de Puissance, II 460.
5.
Như thế nghĩa là Nhà Văn không được nói về cô đơn; hắn phải nói về cô đơn  sức mạnh. Nhà văn không được nói về đau khổ; hắn phải nói về đau khổ  giải thoát. Nghĩa là hắn phải trình bầy “Cuộc Đời Toàn Diện”. Và hắn không được nói về trái cật thay vì trái tim Hắn phải nói về trái cật để bổ túc trái tim. Hắn không được nói về tình dục thay vì tình yêu. Hắn phải nói về tình dục để hỗ trợ tình yêu. Hắn không được nói về sa đọa thay vì thánh thiện. Hắn phải nói về sa đọa như một cám dỗ của thánh thiện  như một bước đầu của trưởng thành. Nghĩa là hắn phải nói về “Con Người Toàn Diện” vậy.
6.
Nghệ thuật là phải đến cùng, (L’art consiste à aller jusqu’à bout – Henry Miller). Nhà văn không được bỏ nhân vật của mình bơ vơ giữa mê lộ. Hắn phải đẩy con người tới tận cùng giới hạn của nó và cho thấy rằng ngoài vòm trời này còn có những vòm trời khác và tất cả mọi con đường, nếu được theo đuổi đến cùng kiệt, đều dẫn tới thiên đàng. Một thiên đàng thích hợp với ước vọng và kích thước của mỗi người.
7.
Chính trong thời gian đau ốm, chúng ta không được phép bi quan [4] . Cũng vậy chính trong thời đại bi thảm, chúng ta phải chấm dứt mọi triết lý bi đát. Đó là sự đề kháng cần thiết. Đoạn văn dưới đây không phải chỉ là đoạn mở đầu tầm thường của một cuốn “dâm thư” bị lên án nhiều lần ở đầu thời đại chúng ta. Nó phải được coi là một phương châm.
Thời đại chúng ta cốt yếu là một thời đại bi thảm, bởi thế chúng ta từ chối coi nó một cách bi thảm. Cuộc đại biến động đã xẩy ra, chúng ta đang ở giữa những đổ nát, chúng ta bắt đầu xây dựng những nơi cư trú nhỏ bé mới, có những hy vọng nhỏ bé mới. Đó là công việc khó nhọc nhằn: bây giờ không có một con đường bằng phẳng nào dẫn tới tương lai: nhưng chúng ta đi vòng quanh hay bò qua những trở ngại. Chúng ta phải sống, thây kệ biết bao nhiêu bầu trời đã sụp.”
(Ours is essentially a tragic age, so we refuse to take it tragically. The cataclysm has happened, we are mong the ruins, we start to build up new little habitats, to have new little hopes. It is rather hard work: there is now no smooth road into the future; but we go round, of scramble over the obstacles. We’ve got to live, no matter how many skies have fallen.)
D.H. Lawrence, Lady Chatterley’s Lover, p.1.
8.
Khuyến khích con người rằng: Chúng ta phải sống, thây kệ biết bao nhiêu bầu trời đã sụp. (II faut bien que nous vivions, malgré la chute de tant de cieux.)
Là cứu cánh của nghệ thuật. Đó cũng là vinh quang, lao khổ và nhục nhằn của nhà văn, bởi trước ai hết, hắn phải cảm nghiệm sự phá sản của những giá trị mà thời đại hắn đang tôn sùng, xuống đến cùng đáy tuyệt vọng bởi sự sụp đổ của những bầu trời cũ, và cũng trước ai hết, hắn phải gợi lại những chân lý cổ xưa đồng thời sáng tạo những giá trị mới, tạo dựng những chân trời mới làm phương châm, làm hành trang, làm thực phẩm cho những thế hệ tương lai, giúp con người đủ sức chịu đựng và chiến thắng.
Đó chính là sứ mệnh cao cả của nhà văn.
*
Sứ mệnh của nhà văn
Diễn từ của William Faulkner khi nhận giải Nobel Văn chương 1949
Tôi cảm thấy rằng giải thưởng này không được trao cho tôi với tư cách một con người nhưng cho tác phẩm của tôi – tác phẩm một đời tạo tác trong khắc khoải và lao khổ của tinh thần con người, không phải vì lợi lộc mà là sáng tạo từ những chất liệu của tinh thần con người một cái gì chưa từng có đó trước kia. Bởi thế giải thưởng này chỉ là giải thưởng của tôi trong kỳ vọng. Tìm cách cung hiến số tiền trích từ giải thưởng này cho tương xứng với mục đích và ý nghĩa khởi nguyên của nó không phải là việc khó khăn. Nhưng tôi cũng muốn xử sự tương tự như vậy với lời hoan hô nồng nhiệt, bằng cách dùng giây phút này như một chóp đỉnh từ đó tôi có thể được lắng nghe bởi những thanh niên và phụ nữ đã sẵn sàng hiến mình cho sự khắc khoải và lao khổ tương tự, giữa những người đó chắc chắn đã sẵn có một người một ngày kia sẽ đứng nơi tôi đang đứng hôm nay đây.
Thảm kịch của chúng ta hôm nay là sự sợ hãi vật chất chung và phổ quát đến nay đã được chịu đựng quá lâu đến nỗi chúng ta vẫn còn có thể chịu đựng nổi. Không còn có những vấn đề tinh thần nữa. Chỉ còn có một vấn đề duy nhất: Chừng nào thì tôi sẽ bị nổ tung đây? Bởi lẽ đó, người thanh niên hay phụ nữ viết lách hôm nay đã quên mất những vấn đề của tâm hồn con người giao chiến với chính nó, điều duy nhất tạo nên tác phẩm hay bởi vì duy điều đó đáng viết, đáng khắc khoải và lao tâm khổ trí.
Hắn phải học lại những vấn đề ấy lần nữa. Hắn phải tự dậy hắn rằng điều đê tiện nhất trong hắn rằng, hãy quên nó đi mãi mãi, đừng để một khoảng trống nào trong phòng làm việc hắn cho bất cứ điều gì ngoài những chân lý và sự thực xưa cũ của tâm hồn, những sự thực phổ quát cổ điển mà thiếu chúng bất cứ câu chuyện nào cũng chỉ có tích cách phù phiếm và đáng trách bị – đó là tình yêu và danh dự và từ bi và kiêu hãnh và bác ái và hy sinh. Cho đến khi nào làm như vậy hắn tiếp tục làm việc quần quật dưới một lời nguyền rủa. Hắn không viết về tình yêu mà viết về tình dục, về những sự thất bại mà không ai mất mát mảy may gì có giá trị, về những cuộc chiến thắng không hy vọng và tệ hơn cả không từ bi hay bác ái. Những nỗi phiền muộn của hắn không hằn sâu trên một lóng xương nhân loại nào, không để lại một vết sẹo nào. Hắn không viết về trái tim mà viết về trái cật.
Cho đến khi nào hắn học lại những điều đó, hắn sẽ viết như thể hắn đứng giữa đám đông và ngắm nhìn sự tàn lụi của con người. Tôi từ chối không chấp nhận sự tàn lụi của con người. Thật khá dễ dàng khi nói rằng con người bất tử chỉ vì nó sẽ chịu đựng, rằng khi tiếng chuông tận thế cuối cùng vang rền và tiêu tan từ mỏm đá cheo leo vô giá trị không dòng nước muộn tới viếng trong ánh chiều tà le lói cuối cùng, rằng ngay cả khi đó nữa vẫn còn có một âm thanh; đó là tiếng nói mong manh không thể dập tắt hãy còn tiếp nối. Tôi khước từ không chấp nhận điều này. Tôi tin rằng con người không những chịu đựng; nó sẽ chiến thắng nữa. Nó bất tử, không phải vì giữa muôn sinh vât một mình nó có tiếng nói không thể dập tắt được mà bởi vì nó có một linh hồn, một tinh thần có khả năng bác ái và hy sinh và chịu đựng. Bổn phận của thi sĩ, của nhà văn, là viết về những điều này. Đặc ân của hắn là giúp con người chịu đựng bằng cách nâng cao tâm hồn con người, bằng cách nhắc nhở con người tới lòng can đảm và danh dự và hy vọng và kiêu hãnh và bác ái và từ bi và hy sinh đã là vinh quang huy hoàng của quá khứ nó. Tiếng nói của thi sĩ không cần chỉ là bia kỷ niệm ghi dấu con người, tiếng nói đó còn có thể là một trong những vật chống đỡ, những cột trụ giúp cho con người chịu đựng và chiến thắng nữa.

[1]Nietzsche, Der Wille zur Macht.
[2]Cf. Charles Andler; Nietszche, sa vie et sa pensés, t. I p. 45 f.f. Schiller
[3]Jean Pouillon, Time and Destiny in Faulkner.
[4]Nietzsche, Ecce Homo
Nguồn: http://butchitoru.wordpress.com/2012/04/17/writers-mission/


Tun tun tun

Sorry con yêu (hehe, sau này con sẽ nghe câu này dài dài) vì cái sự bê trễ của ba.
Mấy ngày hôm nay ba bận nên ba con mình không thể gặp nhau. Và giờ thì. Teng teng teng… mọi thứ gần như  (hoặc giả vờ như ) đã ổn!
Hôm nay là ngày 21/4/2012.
Ba đã có gì cho con nào?

Ba chẳng có gì cho con cả Tun ơi. Ngoài một sự khánh kiệt. Khánh kiệt trong tâm hồn, trong túi và trong cái đồ chứa tâm thất, tâm nhĩ.

Ba khánh kiệt bởi cái hóa đơn điện thoại chưa trả, một khoản nợ lớn đang trốn, hai chiếc xe hết xăng và tiền bỏ vào ống heo cho Tun nữa. Chuyện thường tình là hễ ba rớt xuống đáy thì lại lật đật sớm trèo lên đỉnh vinh quang. Biết thế, nhưng cái cảm giác này khó chịu vô cùng. Và dĩ nhiên, nói chuyện với Tun là sướng nhất. Rẻ nhất nhưng đắt giá nhất.

Ba chán mình ghê gớm Tun ơi. Vì thế mà ba sẽ biết được rằng, sau này, con của ba cũng sẽ trải qua những giai đoạn cực kỳ khó khăn như vầy. Nhưng, ba lại phải lải nhải cái điều con đã nghe muốn phát chán rằng: hãy email cho ba, gọi điện cho ba và làm bất cứ điều gì có thể để kết thúc những muộn phiền đó. Con nhé!

Hôm nay mình nói về chủ đề Bạn bè và tình yêu vậy!

Bạn bè:
Ba vừa kết thúc một quyển sách rất hay. À và hiện tại, ba đang chuẩn bị cho con một tủ sách để đọc khi  con thích đấy. Đó là tác phẩm Nơi cuối cầu vồng của Cecelia Ahern. Hay hay, buồn buồn, yêu yêu và rất đáng để đọc. Câu chuyện kể về hai người bạn thân, trải qua bao nhiêu sóng gió, họ đã đến được với nhau. Sau này chắc Tun sẽ có bạn thân mà đúng không. Còn ba thì không. Ba tưởng mình có. Ba thật là bất hạnh. Ba không có một ai thân hết Tun à. Không có lấy một người.

Thường thì ba có thói quen kết bạn rất nhanh. Thân nhau cực kỳ, để rồi… cảm giác qua đi, mọi thứ qua đi, hụt hẫng kéo đến. và thế là mất. Mà bạn thân là gì? Là người mình cần thì họ có kế bên. Hay kiểu như không cần nói chuyện vẫn hiểu được tánh ý nhau muốn gì. Và mãi mãi, không bao giờ rời xa. Ba không có những người bạn kiểu đó. Ba sở hữu những tình bạn thời vụ. Hết mùa này, lại gieo hạt và cấy cày vào mùa khác. Viết tới đây ba nhớ tới mấy đứa bạn cũ:
-        Hồi lớp 3/6 ba có chơi với thằng Anh Tuấn. Nó là dân quậy đúng nghĩa nhưng bảo vệ ba hết mình. Hai đứa đi bơi chung. Nó viết thư cho gái nhờ ba chuyển đi nhưng ba đếch thèm chuyển. Vậy mà cuối cùng lại thân. Nhớ là không ngày nào không gặp. Tắm sông, lội ruộng. Có khi nó ở nhà mình chơi suốt rồi về. Một hôm đang chơi keng, nó bị rượt đập đầu vô cửa. Thế là xỉu. Mẹ nó đem nó về. Rồi sau đó thì ba không còn nhớ. Chỉ biết hôm rồi nghe tin có đứa đột tử chết sau khi chơi đá banh. Lại là nó. Nó đã có vợ và hai đứa con. Ba vẫn không ghé thắp hương, và thế là hết.
-        Sang năm lớp 4, ba có chơi với thằng Phi, thằng Bình, thằng Quy rùa. Thân dã man. Ngày chia tay lên lớp 5, ba đi học trường chuyên, còn nó học trường bình thường, nó tặng ba bài nhạc: “Quay về kỉ niệm lúc còn học sinh”… thế là nằm nghe và khóc ngon lành. Nhà ba mẹ nó hình như bán nhà hàng – Đầm Sen – mà bây giờ đã thành nghĩa trang liệt sĩ. Ngày nhà mình lắp điện thoại đầu tiên, ba đã gọi cho nó và nói chuyện rất nhiều. Giờ thì không biết nó đi đâu về đâu. Gặp lại ít bận thấy lợt lợt, thế là hết thân.
-        Rồi lớp 10 – 12 ba có chơi chung với thằng Hồng Võ. Xong rồi lại thôi
-        Ba có thêm Bảo, Huy Street, Long Bor, Lâm… rồi thôi
-        Ba có bạn Phong… rồi cũng thôi.

Mà bạn thân thì đâu phải như thế đúng không con. Giờ tự kỉ toàn tập, muốn tìm một đứa để đánh đập chửi bới cũng không có được. Chán thật. mà như thế là buồn lắm con ạ!
Cho đến giờ, ba cũng không hiểu vì sao, ba không thể là bạn thân với mẹ con. Kiểu nói chuyện của mẹ, khiến ba không thể nào mở đầu tâm sự một cách đàng hoàng. Có lẽ là lỗi ở ba cả, không biết tập nói, tập thương, tập yêu… nên tình bạn không thể nào nảy nở tự nhiên được.
Mọi người đi qua đời ba nhanh quá.
Hay là ba bị ảo tưởng về cá tính của mình đến nỗi không tự thấy ai là bạn thân.
Có có, có Lê Cát Tiên, mãi mãi, thân nhất cuộc đời, hiểu ba nhất cuộc đời và giống ba nhất.
Khùng khùng điên điên con ạ!
Ba cạn ý rồi. tưởng là viết cho Tun sẽ hay lắm nhưng giờ ba sẽ viết một cái khác.

Monday, April 16, 2012

16/4/2012 - Cứ tại yêu thương

Tuần trăng mật Bali đó kakaka




Tun này, hôm nay ba viết cho Tun 2 cái note luôn. Kinh thật là kinh. Để xem, đặt tên nào thật hay cho cái note này nhỉ. À, có rồi

Cứ tại yêu thương (chấp nhận vậy hihihi)

Ba bắt đầu ngày mới vào lúc 8g30. Con biết rồi đấy, cả đêm ba có ngủ được giấc nào đâu. Mấy ý nghĩa lẩn quẩn bao giờ cũng khiến ba nặng đầu. Nói theo kiểu mẹ con là tào lao đúng nghĩa. Mẹ sẽ không cho ba thức. Bà bảo như thế là hại não. Như thế là chu trình sống đảo lộn. Quan trọng là không ai cho mẹ con gác chân. Và dù ba có xấu xí thế nào đi nữa thì cảm giác có người nằm bên, bao giờ cũng khiến mẹ an lòng (dù ba có xấu xí ma chê mèo mữa đi nữa). Thế đấy, sau này, khi nghe tiếng ba mẹ la ó… bắt ngủ sớm này nọ. Con phải luôn nhớ rằng, cứ tại yêu thương mà ra cả…

Bà nội lên thăm ba. Xách nặng lắm. Bà mang vú sữa cho mẹ, mít cho mẹ và cả một bữa cơm gia đình không thể ấm hơn. Dạo này mẹ mệt, nên cái bếp nhà lạnh tanh. Mà dù cho mẹ không mệt đi chăng nữa, thì cái cảm giác ba mang lại cho mẹ con, không đủ để bà nhóm lửa sưởi ấm nhà. Sau này có Tun, ba nghĩ mọi chuyện sẽ khác. Ba có thể pha sữa, nấu nước ấm cho Tun uống thuốc… nhắc Tun đừng có bày bừa chi mệt không ai dọn… Và dù mẹ có không thèm đụng tới bếp thì đã có ba hừng hực nấu nướng chọc phá. Trở lại với Bà nội. Ba thương bà nội lắm. Kiểu thương của ba thì con biết, hoặc sau này sẽ biết: im im quan sát và.. thương thương. Nó thụ động và không còn được bày tỏ nhiều bằng hành động. Ba thương bà nội theo kiểu điện thoại cúp giữa chừng, vui thì nghe, buồn thì không… Ba phá làng phá xóm. Phá nhiều tới nỗi bà nội hỏi: Ê, con coi chừng bị vợ coi thường. Cái ba tra lời liền. Đâu có, Phương thương con không hết. Bà nội bắt ba ăn, còn mẹ Phương thì ngược lại. Cứ tại yêu thương cả…

Nói chuyện với Tun dễ chịu biết bao, vì Tun ngoan và nghe không có vướng chấp sai đúng. Ba biết rồi, mai mốt mà có muốn nói chuyện với Tun ba phải ngồi xuống máy gõ liền.. Nhỡ mai mấy con chữ biết mất tiêu thì sao Tun hè. Yêu thương nó bảo phải làm thế.

Trên đường về nhà, ba trôm nghĩ. Chẵng biết sau này, ba với Tun mẹ thương ai nhiều hơn. Có lẽ là Tun. Nhưng ba không muốn thế. Ba muốn cha còn mình fair play, ăn đồng chia đủ. Nếu lợi thế và ưu điểm của con là em bé, thì ba cũng có sức hút bởi xấu trai và một cái tính hời hợt đẳng cấp thượng thừa. Mà Tun chơi với mẹ lâu thế, tình càm thế, ngoan thế, chắc là mẹ phải thương nhiều hơn ba.
Mẹ bảo ba hư, mẹ sẽ không chơi với ba nữa.
Sau này, Tun không được phép cướp phần thưởng ít ỏi mà mẹ tặng ba. Tun mà có dành là ba chiến liền. Ba cũng thích sờ ti mẹ như Tun, ba cũng thích vuốt lưng cho mẹ ngủ như kiểu mẹ vẫn hay làm thế với Tun đấy thôi.

À, dòng cuối. Có lẽ đến hết đời, chắc ba không bỏ được cái tật nói láo, nổ và ở dơ quá Tun ơi. Tình hình là ba đi chụp ké cái 5D mark III vừa mới ra đời. Cái ba post lên, mọi người vô like quá chừng.

Thắc (tiếng miền Nam = mắc) cười quá . Sớm muộn gì ba cũng có nó thôi. Ba hứa sẽ không nói láo với Tun. Hệt như  cách ba đang sống bây giờ , sẽ trải nghiệm tất cả mọi chuyện, để có thể kể với Tun mà không cần ngại ngùn gì về thân phận và độ xác thực.

Tun phải làm thế với ba đấy. Trò chơi hỏi thẳng đáp thật.
Chuyện lớn giải quyết kiểu khác, hay vấn đề thời sự nhỏ giải quyết đường khác.
Đừng bảo ba nhiều chuyện nhé. Cứ tại yêu thương nó thế.
Mẹ kêu ba qua nhà bà ngoại ăn rồi.
Ba chuẩn bị đến sờ Tun đấy.
Liệu Tun của ba có thể trở thành thần đồng không?
Mà thôi. Bình thường là đạo Tun nhễ…


 







Sunday, April 15, 2012

Ngày mua 5D mark II huhuhu



Thường thì hiếm có cái gì - lời hứa, trách nhiệm hạy đại loại những thứ to tác tương tự - lưu lại trong đầu anh quá 30 s. Anh chẳng biết tại sao nhưng dường như “attachment” không nằm trong vùng anh cực khoái . Anh thích như thế và luôn sống như thế. Dự định mãi sống như thế, để rồi một ngày em ngạo nghễ, chiễm chệ xông xộc vào đầu anh và rồi ở luôn trong đó.
Đó là một ngày kỳ lạ mà anh không thể nào quên trong đời. Em vừa khó gần vừa thân thiện. Giữa ta ta chưa bao giờ có một cuộc nói chuyện ra trò, nhưng quan trọng là kết nối và sự thấu hiểu đã vượt qua giới hạn của giao tiếp. Càng thôi không nghĩ về em lại càng nhớ. Bộ não tinh tướng của một thằng con trai hơn 25 tuổi đã không còn đủ sức tải bộ dữ liệu “em” ngày càng bành trướng, choáng chỗ nhiều cơ số nơron thần kinh đáng kể.
Có lúc anh cảm thấy mệt mỏi và muốn bỏ cuộc nhưng cái cảm giác hét ầm trời trên Nóc nhà Đông Dương năm nào đã nhắc anh “không có gì là không thể”. Nhưng có thể là có thể như thế nào. Em quý phái, anh bần cùng. Em giỏi giang, anh tệ hại. em đẹp đẽ, anh xấu xí.
Thế đấy, ngày qua ngày cảm giác mặc cảm tự ti cứ kéo dài trong anh.
kỳ lạ thay, những lúc đó lại là những lúc em san bằng khoảng cách đó.
Hehe, Đó là những ngày đã qua, xa lắc xa lơ rồi. những valentine buồn thỉu buồn thiu của nhiều năm về trước.
Cảm giác có được em trong tầm tay hiện tại vẫn còn khiến anh ngây ngất.
Vả lại anh không ngờ nó lại dễ dàng đến thế.
Tự dưng buồn một chút cho những cảm xúc hụt hẫng xưa kia, anh không thèm níu giữ.
Tự dưng vui cho những cái chạm tay gần… và cả tiếng em thì thầm thật khẽ
Tự dưng buồn sợ vu vơ
Tự dưng nghĩ… Mình cùng đi nhé – as lâu, as sâu… as em “ai lớp diu” anh…
HAPPY 14/...... 2 for u…. and me….
P/s: Mà về em thì còn khối chuyện để kể với mọi người Vợ ơi.
Thích thật!


- Cái này viết khi mới mua được cái máy hình đầu tiên 5D mark II hihi
và chụp show cưới ở Macau yeah yeah lắm con à hihi



Buồn vui vui buồn



Trong đoạn cuối của Tên tôi là đỏ, Orhan Pamuk viết như ri:
“Có lẽ nó đúng. Trong thực tế, chúng ta không tìm những nụ cười trong các bức tranh hạnh phúc, thay vào đó, chúng ta tìm hạnh phúc trong chính cuộc sống. Những họa sĩ biết điều này, nhưng đó chính là điều họ không thể vẽ. Đó là lý do tại sao họ lấy niềm vui của việc nhìn thay thế cho niềm vui của cuộc sống”.
Công việc của ta có phần như thế đó con. Mỗi sáng thức dậy là đồng hành với vô vàn yêu thương. Ta thấy hạnh phúc bé li ti bay từ bó củi đốt vội đón bình minh. Ta cảm nồn nàng của những cái thơm buộc phải đóng khung để thợ chớp bóng như ta chộp lấy chộp để. Ta yêu cái nắm tay gần, cái ôm eo xa, ta thầm ghen với những bước chạy tung tóe làm bẹp dí mấy bà sóng bạc đầu. Ngôi chợ cá Thọ Quang xô bồ người, hì hục ngợm chia sẻ nhau thúng mưu sinh. Cầu xe lửa Nam ô, bồ bồ, phố Hội tấp nập những nụ cười. Và cứ thế ta lướt qua nhiều nhiều cái đẹp, chọn một cái đẹp nhất, đếm 1, 2,3 bảo “tươi”. Là chụp.
Ta còn muốn kể cho con nghe nhiều nhiều hơn thế. Về ngôi nhà chúng ta ở quê, về đám cưới đẹp nhất xóm của mẹ con ở đó. Ta muốn con chơi cùng mấy thiên thần khác tên siêu quậy, siêu điệu, siêu nhân nữa kia. Và ta trong lúc đó sẽ lén tặng lại cho con những bức ảnh nhớ đời.
Ta khác họa sĩ trong quyển sách nọ vì ta chưa bao giờ lấy niềm vui của việc nhìn để thay thế cho niềm vui của cuộc sống. Ta vẫn luôn cảm nhận được “lavie” nó “jolie” như thế nào theo cách riêng của một người được vinh dự chia sẻ cùng con hai chữ gia đình.
Ta dự định thế này, sẽ có một khoảng thời gian cố định ta dành cho con trong ngày để hai ta cùng trò chuyện. Nói là trò chuyện vậy thôi chứ ta sẽ huyên thuyên cho con hàng giờ về triệu triệu sắc màu cuộc sống. Quyết định là tùy ở con nhưng riêng ta vẫn luôn tin vào một ngày tao ngộ. Rất gần.
Love you forgood dù hôm nay là ngày ta ít vui hơn mọi ngày.

--- cái này ba viết cho một người anh em của con đã không có cơ hội vui nhiều với cuộc đời---
(17/4/2009)
Neo đó - con của Dì Hồng và Dượng Danh (không biết đúng không nữa hahah)

Tình thư cho AI

  Ngày 25/4/2024 Tiếp nối những chuỗi ngày yếm thế, ba viết thư cho con. Nếu không ai đọc thì thật buồn cho người viết, nhưng một khi đã c...